Gia đình ông Mai Thanh Dũng (ngụ ấp Bến Kéo) từng có nhiều năm nuôi cá lóc bông trong lòng bè, tuy nhiên giá cả khá bấp bênh, chi phí và thời gian đầu tư nhiều nên lợi nhuận thấp, có năm còn bị thua lỗ.
Nhận thấy nhu cầu thị trường đối với cá thát lát cườm khá cao, gia đình ông chuyển đổi sang nuôi loại cá này, bước đầu mang về thu nhập khá.
Theo ông Dũng, cá thát lát cườm có khả năng chịu được nước phèn, dễ nuôi, đặc biệt thích nghi trong môi trường có dòng chảy trên sông nên rất nhanh lớn. Sau 10 tháng nuôi, trọng lượng trung bình mỗi con từ 700 – 800g.
Ngoài việc bỏ mối tại các chợ ở TP.HCM, ông Dũng và những hộ nuôi tại đây còn bán cho những nơi nuôi phục vụ câu cá giải trí và nhiều nhà hàng, quán ăn trong tỉnh. Với giá bán gần 75.000 đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ chi phí, ước tính mỗi vụ gia đình ông thu về gần 200 triệu đồng.
Ngoài 7 lồng bè đang nuôi thát lát cườm, gia đình ông Dũng còn nuôi thêm 5 lồng cá lóc bông. Ông Dũng chia sẻ, “những tháng đầu năm giá cá thát lát cườm sẽ xuống thấp do nguồn cung dồi dào từ các tỉnh miền Tây, nhưng đến khoảng tháng 5 âm lịch, giá sẽ tăng trở lại.
Do vậy, để tận dụng diện tích mặt nước, tăng thêm thu nhập, tôi nuôi thêm 4 lồng cá lóc bông và vài lồng cá tạp, tính ra mỗi đợt cũng kiếm được vài chục triệu”.
Tuy nhiên, việc đầu tư mô hình nuôi cá thát lát cườm trong lồng bè đòi hỏi phải có vốn đầu tư cao và dài hạn, trong khi nhiều hộ ở ven sông còn gặp khó khăn về kinh tế nên khó chuyển đổi được. Ông Dũng rất mong Hội Nông dân (HND) cùng các ngành có biện pháp hỗ trợ nhiều hơn nữa.
Những bè cá của ông Mai Thanh Dũng trên sông Vàm Cỏ Đông.
Ông Nguyễn Thành Huy – Chủ tịch HND xã Long Thành Nam cho biết, ở ấp Bến Kéo, người dân sống dọc bờ sông Vàm Cỏ Đông thường tận dụng diện tích mặt nước để phát triển nghề nuôi cá lồng bè, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
So với với việc nuôi cá lóc bông, mô hình nuôi cá thát lát có lợi hơn. Cụ thể, nuôi cá lóc bông khoảng 15 tháng mới cho thu hoạch, lượng thức ăn tiêu tốn nhiều nhưng giá lại thấp. Trong khi đó, chỉ cần 10 tháng, cá thát lát cườm đã có thể cho thu hoạch, do vậy lượng thức ăn cũng ít hơn, lại có giá cao.
Từ năm 2015 đến nay, ông Mai Thanh Dũng đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, tỉnh. Đây là mô hình đang được HND xã Long Thành Nam nhân rộng, góp phần chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi ở địa phương, tăng thu nhập cho nông dân.