Hiệu quả
Cách đây hai năm, Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai mô hình nuôi cá lồng bằng công nghệ Đan Mạch tại hai xã Hải Dương (TX Hương Trà) và Lộc Bình (Phú Lộc). Đây được xem là mô hình mới nhiều triển vọng, phù hợp với điều kiện vùng đầm phá ven biển của tỉnh. Các đối tượng được đưa vào nuôi là cá dìa, chim trắng vây vàng, hồng Mỹ. Thời gian sinh trưởng đến khi thu hoạch khoảng 8 tháng, trọng lượng cá hồng Mỹ đạt 1 - 1,2 kg/con, cá chim trắng vây vàng 0,5 kg/con, cá dìa 0,42 kg/con… Giá thị trường cá hồng Mỹ 100 ngàn đồng/kg; cá dìa, chim trắng vây vàng từ 140 - 165 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ các chi phí, các lồng nuôi tại xã Lộc Bình lãi trên 160 triệu đồng, tại xã Hải Dương lãi 178 triệu đồng.
Đã qua hơn hai năm kể từ khi thí điểm thành công, mô hình nuôi cá lồng Đan Mạch vẫn chỉ dừng lại với hai lồng ở xã Lộc Bình và Hải Dương. Nói về nguyên nhân chưa thể nhân rộng, Chủ tịch UBND xã Lộc Bình - ông Phan Thế Phúng chia sẻ: “Nuôi cá lồng Đan Mạch không chỉ xóa đói giảm nghèo, mà còn có thể làm giàu đối với người dân. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư xây dựng lồng rất lớn, có thể đến vài trăm triệu đồng, ngoài khả năng của bà con. Chi phí đầu tư từ con giống đến nguồn thức ăn cũng cần nguồn tiền không nhỏ…”.
Mới đây là mô hình sản xuất thí điểm nuôi lươn đồng khá thành công, nhưng sẽ khó nhân rộng. Nguồn giống tại chỗ khan hiếm là trở ngại chính trong việc nhân rộng mô hình nuôi lươn đồng thương phẩm. Trung tâm Khuyến nông lâm ngư tỉnh vừa sản xuất giống lươn đồng thí điểm tại xã Quảng An (Quảng Điền), Vinh Hà (Phú Vang), nhưng quy mô, số lượng rất hạn chế, chỉ khoảng vài ngàn con. Ông Lê Công Long ở xã Quảng An (hộ được chọn nuôi thí điểm lươn giống) rất băn khoăn trong việc nhân rộng mô hình. Ông Long cho rằng, nếu mua giống ở các tỉnh phía nam thì giá thành cao, chất lượng không đảm bảo do vận chuyển đường xa. Trong khi đó, chất lượng nguồn giống tự nhiên được khai thác trên các vùng đầm phá không đồng đều; chưa kể việc khai thác, cào lươn mang tính hủy diệt bị nghiêm cấm. Kỹ thuật, tập quán sản xuất của người dân còn nhiều hạn chế cũng là cản trở trong việc nhân rộng mô hình.
Một số mô hình như nuôi cá trê lai tại xã Vinh Hưng (Phú Lộc), sau khi sản xuất thành công, được nhân rộng, song chỉ trong thời gian ngắn thì “phá sản”. Ông Châu Ngọc Phi, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông lâm ngư cho rằng, việc sản xuất ồ ạt, thiếu quy hoạch, định hướng thị trường là nguyên nhân dẫn đến mô hình bị “phá sản”. Ban đầu chỉ chưa đầy chục hộ nuôi, đầu ra rất thuận lợi, lãi cao. Nhưng do các hộ trên địa bàn xã và các vùng lân cận ồ ạt đầu tư nuôi, “cung vượt cầu”, môi trường ô nhiễm, thường xuyên dịch bệnh nên hiệu quả rất thấp, thậm chí thua lỗ, nhiều hộ đã bỏ nuôi cá trê lai.
Cần định hướng, đầu tư hợp lý
Sản xuất thí điểm thành công các mô hình thủy sản là điều không đơn giản. Kinh phí đầu tư của Nhà nước cho mỗi mô hình từ 50 triệu đến cả 100 triệu đồng, tùy thuộc vào quy mô, đối tượng nuôi. Quá trình sản xuất, các ban ngành còn phải đi tham quan, học tập ở nhiều nơi, hằng ngày lăn lộn cùng với người dân để tập huấn, hướng dẫn các quy trình kỹ thuật… Vậy nên, việc mô hình thí điểm thành công không được nhân rộng, hoặc chậm nhân rộng là rất lãng phí.
Cá hồng Mỹ được nuôi bằng lồng Đan Mạch
Ông Phan An, người tham gia mô hình nuôi cá lồng Đan Mạch ở xã Lộc Bình nói: “Thật sự rất đáng tiếc khi mô hình không được nhân rộng, thậm chí chỉ dừng lại quy mô thí điểm. Cản trở lớn nhất đối người dân chúng tôi là vốn đầu tư xây dựng lồng, chi phí thức ăn rất lớn. Mong Nhà nước quan tâm có giải pháp hỗ trợ vốn, mở thêm các lớp tập huấn quy trình, kỹ thuật nuôi”.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Nguyễn Minh Đức cho rằng, để thuận lợi cho người dân đầu tư nhân rộng mô hình, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân có thể sử dụng lồng nuôi có kết cấu tương tự lồng Đan Mạch, nhưng thể tích nhỏ hơn chỉ từ 60 - 100 m3/lồng. Đây là giải pháp không chỉ giảm chi phí, mà còn dễ dàng thao tác trong quá trình nuôi và di chuyển tránh thiệt hại trong mùa bão, lũ.
Còn ông Châu Ngọc Phi, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến Nông lâm ngư cho rằng, ngoài vốn và kỹ thuật của người dân còn hạn chế, các địa phương, ban ngành chưa quan tâm quy hoạch vùng nuôi hợp lý, thiếu định hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm... Để các mô hình được nhân rộng, các chuyên gia, nhà khoa học cần có sự hợp tác, đầu tư chuyên sâu trong việc nghiên cứu sản xuất nguồn giống tại chỗ đảm bảo cung ứng nhu cầu phát triển. Các địa phương chủ động quy hoạch vùng nuôi, khảo sát, tìm hiểu thị trường nhằm mở rộng quy mô sản xuất hợp lý, tránh tình trạng “cung vượt cầu”.