Đồng thời, nhờ hệ thống công trình được thiết kế đảm bảo an toàn sinh học và sử dụng biofloc để ức chế vi sinh vật gây bệnh mà bệnh tôm rất hiếm khi xảy ra trong các ao nuôi áp dụng. Hiệu suất sử dụng tài nguyên nước của công nghệ Semi-Biofloc rất ấn tượng, tổng lượng nước khoảng 60.000 m3/ha/vụ ( giảm 50% so với cách nuôi cũ).
Công nghệ Semi-biofloc có sự hiện diện của tảo trong hệ thống nuôi và mật độ biofloc ở mức 1,5 - 2,5 mL/L; sử dụng ao nhỏ, lót bạt HDPE diện tích 500 - 1.000 m2 có mái che, chủ động loại bỏ chất thải bằng biện pháp siphon để giảm tải cho môi trường nuôi.
Đi kèm với thiết kế chuẩn về công trình nuôi, phụ trợ và trang thiết bị, đảm bảo mức độ khuấy đảo và hàm lượng oxy hòa tan cần thiết. Chủ động về thành phần vi khuẩn dị dưỡng trong hệ thống bằng cách tạo và duy trì biofloc chức năng.
Nói một cách khác, công nghệ Semi-Biofloc có rất nhiều đặc điểm ưu việt, bao gồm: Độ an toàn sinh học cao hơn; Khả năng tự làm sạch giúp nuôi tôm không cần thay nước. Biến chất thải thành nguồn dinh dưỡng bổ sung cho tôm nuôi, giảm một phần chi phí thức ăn. Giảm giá thành sản phẩm nhờ giảm chi phí sản xuất, thông qua việc tiết kiệm chi phí thay nước, xử lý nước và sử dụng hóa chất, kháng sinh. Tạo sản phẩm an toàn, có chất lượng cao.
Sự hấp dẫn nhất của công nghệ Semi-Biofloc là cơ hội giảm chi phí sản xuất nhờ hạn chế sử dụng hóa chất, không sử dụng kháng sinh và tiết kiệm chi phí thức ăn, thay nước, xử lý nước. Quan trọng hơn, nuôi tôm theo công nghệ Semi-Biofloc không cho phép sử dụng kháng sinh hay hóa chất diệt khuẩn trong quá trình nuôi. Vì thế, sản phẩm tôm thu hoạch từ các ao nuôi theo công nghệ semi-biofloc thường có giá cao hơn trên thị trường (10.000 - 15.000 đồng/kg) và được người tiêu dùng tin tưởng.
Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng công nghệ Semi-Biofloc trong thời gian qua mặc dù có sự đổi mới để hướng đến hiệu quả cao hơn và đạt được một số kết quả đáng kể, bên cạnh đó vẫn còn có những hạn chế, cụ thể như sau:
Thứ nhất, vốn đầu tư cao, gây trở ngại trong việc ứng dụng để nhân rộng. Chi phí đầu tư mới cho trại nuôi tôm theo công nghệ semi-biofloc trên diện tích 1 ha đất sẽ tốn tư 1,2 tỉ đồng. Đây là số tiền không nhỏ đối với người nuôi tôm, nhất là những người đang có khó khăn trong nuôi tôm.
Một quy trình kỹ thuật chỉ có thể phát huy hiệu quả khi được triển khai trên một cơ sở hạ tầng được thiết kế và xây dựng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Ngoài ra, chi phí điện năng cho vận hành cao trung bình 12 triệu đối với ao nuôi có diện tích 1.000 m2 /vụ nuôi do phải vận hành quạt nước và hệ thống sục khí đáy liên tục.
Công nghệ Semi-Biofloc được các hộ nuôi quan tâm, đầu tư. Ảnh: NTN
Thứ hai, rủi ro lớn khi hệ thống quạt nước sục khí bị trục trặc hoặc mất nguồn điện. Công nghệ Semi-biofloc chỉ phù hợp ở những nơi có lưới điện tốt và nguồn cung cấp điện ổn định. Nếu nguồn điện bị mất trong quá trình nuôi, tôm sẽ nhanh chóng bị ngạt và chết chỉ trong vòng khoảng 15-30 phút tùy theo thời điểm của vụ nuôi. Thêm nữa, hạt biofloc khi không được khuấy đảo sẽ lắng xuống đáy và chết, gây ô nhiễm môi trường nhanh chóng.
Thứ ba, khả năng tiếp cận công nghệ của cán bộ kỹ thuật. Cán bộ kỹ thuật vận hành hệ thống nuôi Semi-biofloc cần hiểu rõ về bản chất của công nghệ, yêu cầu của vi khuẩn dị dưỡng và tôm nuôi, động thái môi trường ao và nguyên lý của các biện pháp kỹ thuật. Semi-biofloc chỉ phát huy tác dụng tích cực khi người nuôi tôm tuân thủ chặt chẽ các bước kỹ thuật.
Hiện nay, cơ chế cụ thể của công nghệ còn đang trong quá trình nghiên cứu . Lỗ hổng kiến thức này làm cho việc quản lý sản xuất trở nên khó khăn hơn và có thể khiến nông dân không được trang bị đầy đủ để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình nuôi thương phẩm.
Thứ tư, sự khác biệt của quần xã vi sinh vật tự nhiên giữa các vùng nuôi. Vi khuẩn dị dưỡng luôn có sẵn trong đất và nước tự nhiên. Khi cơ chất carbon hữu cơ được bổ sung đúng mức, oxy hòa tan đầy đủ chúng sẽ phát triển. Thành phần của quần xã vi khuẩn sẽ phụ thuộc vào những chủng hiện diện trong ao nuôi hay vùng nuôi, cộng thêm sự khác biệt về thiết kế ao, lắp đặt trang thiết bị, nguyên vật liệu sử dụng và biến hóa về qui trình. Hiệu suất không nhất quán và theo mùa đối với các hệ thống tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Thứ năm, sự khác biệt về chất lượng của các nguyên vật liệu chính giữa những người nuôi, giữa các vùng nuôi. Bên cạnh yêu cầu thời gian khởi động, các hệ thống Semi-Biofloc có thể khiến tôm nuôi gặp rủi ro về dịch bệnh nếu người nuôi không quản lý được mức độ chất rắn lơ lửng trong nước nuôi, gây nguy cơ tăng sự mất ổn định nitrat hóa, khả năng ô nhiễm gia tăng do tích tụ nitrat.