Một số sai lầm khi cho tôm ăn
Cho tôm ăn quá nhiều (hoặc quá ít)
Đây là sai lầm phổ biến nhất, nhiều người nuôi mong muốn tôm tăng trọng lượng một cách nhanh chóng nhờ cho ăn nhiều, nhưng điều này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Việc cho tôm ăn quá nhiều sẽ dẫn đến dư thừa thức ăn, gây ô nhiễm môi trường ao nuôi, làm giảm hàm lượng oxy hòa tan trong nước, ảnh hưởng đến sức khỏe tôm.
Ngược lại, cho tôm ăn quá ít sẽ không đủ dinh dưỡng cho tôm phát triển, tôm chậm lớn, kích thước không đồng đều, dễ mắc bệnh và đặc biệt kéo dài thời gian nuôi. Khi tôm lột, tỷ lệ hao hụt cao vì đàn tôm đói, những con tôm lột yếu sẽ có khuynh hướng bị tấn công bởi những con khỏe hơn.
Để khắc phục, người nuôi cần xác định nhu cầu dinh dưỡng của tôm, tính toán lượng thức ăn theo từng giai đoạn phát triển. Nhìn chung, nhu cầu dinh dưỡng của tôm tăng dần theo kích cỡ tôm. Ngoài ra, người nuôi cũng cần theo dõi tình trạng sức khỏe của tôm và các tác động ngoại cảnh (nắng nóng, thời tiết mưa nhiều,...) để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
Cho tôm ăn không đúng thời gian
Thời gian cho tôm ăn cũng rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến hiệu suất tiêu hóa và hấp thu của tôm. Nếu cho tôm ăn vào ban ngày khi nhiệt độ cao và ánh sáng mạnh, sẽ làm giảm khả năng tiêu hóa của tôm, do đó làm giảm tỷ lệ chuyển hóa thức ăn. Nếu cho tôm ăn vào ban đêm, khi nhiệt độ thấp và ánh sáng yếu, sẽ làm tăng khả năng tiêu hóa của tôm, do đó làm tăng tỷ lệ chuyển hóa thức ăn.
Người nuôi cần chia nhỏ lượng thức ăn thành nhiều lần trong ngày. Thời điểm cho ăn tốt nhất là vào buổi sáng sớm và buổi chiều muộn, khi nhiệt độ và ánh sáng vừa phải. Lúc trời mưa lớn nên tránh cho ăn vì sẽ xảy ra hiện tượng dao động nhiệt độ và độ mặn ảnh hưởng đến khả năng bắt mồi của tôm.
Phân bố lượng thức ăn không đồng đều
Nếu cho tôm ăn không đồng đều, sẽ gây ra hiện tượng “phân đàn phân cỡ”, chênh lệch kích thước và trọng lượng giữa các con tôm trong ao nuôi.
Hiện tượng "phân đàn phân cỡ” tôm trong ao nuôi. Ảnh: thuysan247.com
Người nuôi cần chú ý nên rải thức ăn đều khắp ao, nếu diện tích ao nuôi lớn, có thể sử dụng các thiết bị như máy cho ăn tự động, máy quay thức ăn, máy phun thức ăn để cho tôm ăn hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, do tôm thường bơi ngược dòng nước, chính vì thế, nên rải thức ăn theo dòng nước chảy. Có thể điều khiển dòng nước chảy bằng các máy quạt nước sắp xếp theo hệ thống sao cho có thể gom chất thải vào giữa ao. Khu vực chất thải gom này được đánh dấu bằng tre hoặc phao để tránh việc rải thức ăn vào những vị trí này. Ngoài ra, cũng nên tránh rải thức ăn vào nơi nước chảy yếu, nơi có nền đáy ao không được sạch.
Chọn thức ăn không phù hợp
Thức ăn cho tôm được sản xuất theo từng kích cỡ phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tôm. Nhiều người nuôi còn bị ảnh hưởng bởi cách nuôi truyền thống, chỉ cho ăn theo một loại duy nhất.
Người nuôi cần phải tìm hiểu và nắm rõ các loại thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tôm. Ví dụ, Đối với tôm nuôi từ ngày 0 – 60 ngày thì không nên cho ăn thức ăn có hàm lượng đạm quá cao vượt trên 38%. Vì giai đoạn này tôm còn nhỏ hệ tiêu hóa chưa khỏe mạnh lượng đạm cao sẽ làm khó tiêu, khó hấp thụ được thức ăn cũng như dinh dưỡng. Khi tôm từ 60 ngày trở lên giai đoạn này tôm đã lớn khỏe mạnh cần tăng thêm hàm lượng đạm từ 40% và tăng dần theo thể trọng của tôm nhằm cung cấp đủ chất dinh dưỡng đáp ứng cho sự phát triển thể trạng của tôm. Bên cạnh đó, nên ưu tiên chọn các loại thức ăn chất lượng từ các nhà cung cấp uy tính, đảm bảo sức khỏe cho đàn tôm.
Cách tính toán thức ăn cho tôm
Có nhiều phương pháp tính toán lượng thức ăn cho tôm. Một số phương pháp thường được áp dụng như sau:
Tính toán dựa vào trọng lượng tôm: Đây là cách tính toán phổ biến nhất, trọng lượng thức ăn cho ăn sẽ tính theo phần trăm so với trọng lượng tổng số tôm có trong ao nuôi.
Công thức:
- Lượng thức ăn (kg) = Tổng trọng lượng tôm (kg) * Tỷ lệ (%)
Trọng lượng tôm (g) | Lượng thức ăn (%) |
2 | 9.5 |
3 | 5.8 |
5 | 5.3 |
7 | 4.1 |
10 | 3.3 |
12 | 3 |
15 | 2.6 |
20 | 2.1 |
25 | 1.5 |
30 | 1.3 |
Bảng tỷ lệ % thức ăn theo trọng lượng tôm. Ảnh: Tạp chí con tôm
Ví dụ như: Trọng lượng của 1 con tôm trong ao nuôi là 6,7gam, số tôm có trong ao nuôi là 270.000 con, như vậy, tổng trọng lượng tôm là 6,7g x 270.000 con = 1.809 kg. Căn cứ vào bảng % thức ăn theo trọng lượng tôm, 6,7g/con sẽ tương đương với mức 4,1% thức ăn so với tổng trọng lượng cả đàn tôm là 1.809kg. Do đó ta tính được lượng thức ăn cho 270.000 con tôm 1 ngày là 1.809kg x 4,1% = 74kg/ngày.
- Lượng thức ăn (một lần) = Lượng thức ăn một ngày/ Tổng số lần cho ăn trong ngày
Ví dụ: Nếu một ngày, người nuôi cho tôm ăn 5 cử => Lượng thức ăn một lần = 74kg / 5 = 14,8kg.
Lưu ý: Tỷ lệ thức ăn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố tôm ăn ít hay nhiều do tác động môi trường nuôi. Ngoài việc kết hợp bảng cho ăn dựa vào trọng lượng tôm thì người nuôi cũng cần kết hợp với việc kiểm soát thức ăn cho vào nhá để có thể điều chỉnh lượng thức ăn cụ thể và chính xác nhất vào từng thời điểm. Thức ăn cho vào nhá sẽ được kiểm tra sau 1,5 – 2,5 tiếng tùy vào từng giai đoạn nuôi. Việc kiểm tra nhá sau khi cho ăn nhằm giúp bà con điều chỉnh được lượng thức ăn phù hợp với nhu cầu của tôm.
Trọng lượng (g) | Thức ăn (g/kg/nhá) | Thời gian kiểm tra (tiếng) |
1.5 - 4.0 | 1 | 2.5 |
5.0 - 8.0 | 2 | 2.5 |
9.0 - 16.0 | 3 | 2 |
17.0 - 22.0 | 4 | 2 |
23.0 - 33.0 | 5 | 1.5 |
Bảng tính lượng thức ăn cho vào nhá. Ảnh: Tạp chí con tôm
Lượng thức ăn thừa (%) | Điều chỉnh |
0 | Tăng 5% |
30 | Giữ nguyên |
60 - 70 | Giảm 5% |
90 | Giảm 10% |
100 | Giảm 30% |
Bảng điều chỉnh lượng thức ăn sau khi kiểm tra nhá cho ăn. Ảnh: Tạp chí con tôm
Tính toán theo năng lượng của thức ăn: Đây là cách tính toán hiện đại hơn, nhu cầu năng lượng của tôm được xác định dựa trên các yếu tố như trọng lượng, nhiệt độ, mật độ và sức khỏe của tôm. Năng lượng của thức ăn được xác định dựa trên thành phần dinh dưỡng và hàm lượng protein của thức ăn. Cách tính toán này có ưu điểm là chính xác hơn và tiết kiệm hơn, nhưng cũng yêu cầu có nhiều thông tin và thiết bị hỗ trợ.
Công thức: Lượng thức ăn = Nhu cầu năng lượng của tôm (kcal) / Năng lượng của thức ăn (kcal/kg).
Người nuôi cần lựa chọn phương pháp tính toán thức ăn phù hợp với điều kiện thực tế của ao nuôi.
Tóm lại, quản lý chế độ ăn cho tôm là một phần quan trọng trong quy trình nuôi tôm. Việc tránh các sai lầm thường gặp và áp dụng các biện pháp khắc phục phù hợp sẽ giúp cải thiện hiệu suất nuôi trồng, tối ưu hóa tỷ lệ chuyển đổi thức ăn và đảm bảo rằng tôm phát triển khỏe mạnh. Sự quan tâm và kiểm soát đều đặn đối với chế độ ăn, giúp người nuôi đạt được lợi nhuận tốt từ công việc nuôi tôm của mình.