Thị trường thủy sản tính đến tuần ngày 20/5, cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL chưa có dấu hiệu khởi sắc, các nhà máy vẫn trong xu hướng hạn chế thu mua cá ngoài vùng nuôi. Giá cá tra nguyên liệu trong size chịu áp lực giảm. Tại Cần Thơ, giá thu mua cá tra trong size (700-900 gr/con) giảm từ 22.000 – 22.500 đ/kg tuần trước xuống mức 21.000 – 21.5000 đ/kg (trả chậm) tuần này nhưng sức mua vẫn chững. Tại An Giang, thị trường cá tra nguyên liệu đầu tuần này đã nhích tăng, một số nhà máy đã bắt đầu tăng cường thu mua cá size 700-900 gr/con với giá 21.000 – 21.800 đ/kg (trả chậm 1 – 4 tuần).
Dự đoán giá thu mua cá tra nguyên liệu cuối tháng 5/2016 có thể sẽ chịu áp lực suy giảm khi ngồn cung cá trong size trong các hộ nuôi tăng lên trong khi sức mua của các nhà máy vẫn chững lại.
Theo đại diện Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), tổng sản lượng thủy sản tháng 5 ước đạt 617.000 tấn, đưa tổng sản lượng thủy sản 5 tháng đầu năm đạt 2,447 triệu tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 5 ước đạt 369.000 tấn, tương đương với cùng kỳ năm trước; tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 5 tháng đầu năm đạt 1,149 triệu tấn, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết, tháng qua do nhu cầu nguyên liệu đầu vào không ổn định khiến giá cá tra lúc tăng lúc giảm. Từ thực tế, người nuôi chủ yếu sản xuất cầm cự, không thả nuôi nhiều. Sản lượng thu hoạch cá tra 5 tháng đầu năm 2016 của đồng bằng sông Cửu Long giảm twois 7% so với cùng kỳ và chỉ ước đạt 358.508 tấn. Trong số đó các tỉnh có sản lượng giảm mạnh như: Vĩnh Long 31.178 tấn, giảm 13%; An Giang 82.685 tấn, giảm 17%; Đồng Tháp 15.961 tấn, giảm 7%.
Đối với mặt hàng tôm, giá tôm nguyên liệu tại Cà Mau trong tuần đến 20/5, ổn định so với tuần trước, tuy đang ở mức cao. Nguồn cung tôm ở Cà Mau hiện tại yếu, đặc biệt đối với tôm cỡ lớn. Cụ thể, tôm sú cỡ 20 con/kg ở mức 300.000 đ/kg, cỡ 30 con/kg là 240.000 đ/kg; cỡ 40 con/kg là 160.000 đ/kg. Tôm thẻ chân trắng cỡ 70 con/kg giữ nguyên mức 143.000 đ/kg của tuần trước, cỡ 100 con/kg giữ mức 112.000 đ/kg.
Thời tiết bất lợi cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất tôm. Diện tích tôm bị thiệt hại khá lứn mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là do nắng nóng, độ mặn cao.
Sản lượng thu hoạch tôm sú và tôm thẻ chân trắng của các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long vừa qua đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Tôm sú nuôi ước đạt 526.281 ha, tăng 2% song sản lượng ước đạt 72.257 tấn giảm 12%; tôm thẻ chân trấng nuôi ước đạt 24.017 ha, giảm 5%, sản lượng ước đạt 40.811 tấn, giảm đến 14%.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, hiện tỉnh Cà Mau thiên tai gây hạt trực tiếp đến nuôi trồng thủy sản ở cấp độ 2.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, qua khảo sát, hiện đã có khoảng 52.467 ha tôm nuôi bị thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn từ tác động của El Nino, chủ yếu trên tôm nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến, thiệt hại lên tới 260 tỷ đồng.
Ngoài ra còn có hàng trăm ha nuôi cá bống tượng, cá chình, cá bổi, sò huyết, nghêu, hàu… cũng bị thiệt hại nặng do hạn hán, xâm nhập mặn trong 6 tháng đầu năm.
Hiện, ngành chức năng tỉnh đang xem xét việc chi hỗ trợ cho người nuôi trồng thủy sản bằng hình thức trao trực tiếp con giống có chất lượng tốt (kích cỡ lớn), nhằm rút ngắn thời gian sản xuất theo kịp lịch thời vụ.
Trước đó, Cà Mau cũng đã công bố thiên tai hạn hán cấp độ 1 trên diện tích trồng lúa. Nông dân bị thiệt hại trên toàn tỉnh được hỗ trợ trên 86 tỷ đồng.
Theo Tổng Cục thủy sản, tính đến ngày 17/5, 8 địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại 81.413 ha tôm nuôi. Nguyên nhân dẫn đến tôm nuôi chết bất thường là do nắng nóng, độ mặn cao.