Sinh hoạt bến chợ ngã ba Vĩnh Hội Đông tiếp giáp với An Phú và đường rẽ về Phú Hội trở nên nhộn nhịp khi có nhiều xuồng, ghe đánh bắt cá quy tụ vào buổi nhóm chợ sáng và lúc xế chiều mỗi ngày. Bạn hàng lẻ ở các nơi với chiếc xe đạp cũng tập trung lấy hàng, rồi đưa về chợ huyện, tỏa đi các ngã trong thị trấn và khu vực lân cận. Do đồng Phú Hội thuộc vùng trũng, thu hoạch lúa hè thu sớm và nước lên cũng ngập đồng sớm nên dân địa phương và các nơi đổ về đánh bắt cá, đặt lờ, lọp… Chợ tại khu dân cư Phú Hội chỉ tiêu thụ tại chỗ, ai nấy đều đưa sản phẩm sang Vĩnh Hội Đông và Bắc Đai.
Cá linh được xem là sản vật số 1 vùng đầu nguồn, chợ nào cũng bày bán đủ cỡ; còn cá sặc, cá rô thì vô số kể, nhất là thời điểm hiện nay. Đối với khu vực biên giới này, có loài cá lăng rất ngon, con cỡ nửa cổ tay, mỗi chiều được đưa về bán quanh bến chợ ngã ba Vĩnh Hội Đông – Pung Xăng. Anh Trần Văn Thuận, khu dân cư biên giới Vĩnh Hội Đông nói, sản lượng giăng bắt mỗi ngày được cỡ một chục ký trở lại, bán kiếm được vài trăm ngàn đồng, đủ nuôi sống cả nhà.
“Nhờ vậy, dân làm nghề mới được cải thiện cuộc sống, siêng năng với công việc mùa nước nổi, tạo thêm thu nhập cho gia đình” – anh Thuận cho biết. Người ta coi mặt cá bán ở chợ là biết ngay thời điểm mùa nước nổi, bởi lẽ, ở vùng đầu nguồn không phải lúc nào cũng đánh bắt được nhiều loại cá cùng lúc, chẳng hạn như khi mực nước lũ tràn đồng, chừng đỉnh điểm và lúc cuối mùa đều khác nhau.
Do đặc thù khu vực biên giới, trên địa bàn các xã Vĩnh Hội Đông, Bắc Đai, Khánh Bình, Khánh An… cũng đã hình thành những làng nghề truyền thống làm khô và mắm độc đáo, với nguyên liệu từ con cá sặc, cá rô, cá linh, cá lóc… Chị Phùng Thị Hồng, chợ Bắc Đai bảo, đầu mùa nước nổi thì nghề làm khô, làm mắm còn thảnh thơi do con cá còn nhỏ chỉ bán tươi sống, phải đợi đến lúc cao điểm mới lấy cá linh già, cá sặc, cá trèn và cá rô làm mắm; còn con cá kết, cá chạch… làm khô.
“Ủa, chưa thưởng thức khô, mắm của Bắc Đai sao, bà con ở đây làm ngon lắm. Nếu có dịp, xin mời ăn một lần cho biết, sẽ nhớ hoài” – chị Hồng cười tươi. Ở khu vực Bắc Đai – Lò Gò, người dân biên giới sống nhờ nghề làm cá mắm, sau cây lúa và rau màu 2 vụ chính, ai cũng mong nước lên để làm ăn. Không chỉ có vậy, ngã ba sông Bắc Đai – Lò Gò còn là đường tiểu ngạch, giao thương hàng hóa luôn diễn ra tấp nập.
Khu vực Khánh An là nơi giao lưu giữa người dân Campuchia – Việt Nam 2 bên bờ sông Hậu, tập trung nhiều người Việt định cư phía bên kia bờ Pẹc Chạy. “Tụi tui mua bán nhờ chợ Khánh An, vì ở bển đâu có chợ. Mà, cá mắm mần ra hổng có chợ thì bán cho ai, buộc phải về bên quê nhà thôi” – chị Tô Thị Thắm, người Việt ở Pẹc Chạy, phân trần. Người Việt ở Pẹc Chạy đều đi về Khánh An mua bán, trao đổi qua lại; cá mắm, cua, ốc làm ra được từ mương Vú cũng đều vận chuyển về bán ở chợ Khánh An. Cũng là người Việt ở Pẹc Chạy, anh Đào Hữu Thiện, cho hay, mỗi đêm giăng câu, giăng lưới được vài ký cá đem qua chợ Khánh An bán, vừa mua lại một ít đồ ăn lặt vặt trong nhà, vừa đưa rước hai đứa nhỏ về quê đi học.