Sau khi thu hoạch tôm xong, ông Đỗ Văn Mép ở ấp Vĩnh A, xã Gia Hòa 1 cải tạo lại gần 4.000 m2 đất để sạ giống lúa ST24, hiện lúa được gần 1 tuần tuổi, đang phát triển tốt. Mô hình tôm - lúa được ông duy trì hằng năm cho thu nhập ổn định, ông Mép cho biết: “Tôi thấy mô hình tôm-lúa mang lại nhiều cái lợi, nhất là giúp cải tạo được môi trường cho vụ nuôi tôm kế tiếp, ít bị dịch bệnh”.
Tính đến ngày 10/10, bà con vùng tôm-lúa huyện Mỹ Xuyên xuống giống vụ lúa trên nền tôm được trên 2.000 ha/ 9.200 ha theo chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó, xã Hòa Tú 2 bà con chỉ mới xuống giống được 9 ha; xã Gia Hòa 2 là 913 ha, đạt 64,3% kế hoạch. Ông Lê Văn An, Chủ tịch UBND xã Gia Hòa 2 cho biết: “Các diện tích lúa bà con xuống giống được khoảng 10 ngày tuổi và đang phát triển tốt. Quyết tâm của xã là vận động bà con lấp lại vụ lúa trên nền nuôi tôm 1.416 ha”.
Theo lịch khuyến cáo của Ngành Nông nghiệp huyện Mỹ Xuyên, thời gian xuống giống vụ lúa mùa trên nền tôm năm 2018 từ ngày 15/9 đến 15/10. Tuy nhiên do ảnh hưởng của triều cường nên tiến độ xuống giống lúa trên nền tôm trong mấy ngày qua bị chững lại. Hiện các ngành chức năng và chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và hộ dân lấp lại vụ lúa trên nền tôm nuôi từ nay cho đến hết tháng 10.
Diện tích lúa trên nền tôm ở Mỹ Xuyên đang phát triển tốt.
Ông Dương Văn Hòa, Trưởng Ban nhân dân ấp Vĩnh A, xã Gia Hòa 1 cho biết: “Năm nay, việc lấp lại vụ lúa trên nền tôm có thể trễ hơn so với dự kiến, nhưng ấp quyết tâm vận động bà con đến ngày 20/10 xuống giống cho dứt điểm”.
Để thực hiện tốt chỉ tiêu lấp lúa trên nền tôm năm 2018, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và vốn giảm nghèo bền vững, UBND huyện Mỹ Xuyên hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo ở các xã gần 89 tấn lúa giống ST24, OM6976, OM5451, OM7347, OM4900, OM576, PL5; đồng thời còn đẩy mạnh công tác tập huấn khoa học, kỹ thuật cho bà con. Ông Đặng Văn Phương, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên cho biết: “UBND cũng đã chỉ đạo ngành chức năng tăng cường công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn bà con vùng tôm-lúa cải tạo ao vuông đúng theo quy trình kỹ thuật; mong bà con trong quá trình nuôi tôm, cố gắng lấp lại vụ lúa trên nền tôm, để cải thiện môi trường cho vụ tôm-lúa đạt hiệu quả cao, duy trì mô hình lâu dài và bền vững”.
Hiệu quả mô hình luân canh tôm-lúa đã được khẳng định, trồng lúa vừa có thu nhập vừa cải tạo đất cho vụ sau nuôi tôm đạt hiệu quả cao hơn.