Trong đó, kim ngạch xuất khẩu dầu thô đạt nhiều nhất: 1,71 tỷ USD, tăng 134,82% so với cùng kỳ; xuất khẩu dệt may và thủy sản vẫn tăng trưởng khá cao: dệt may đạt 1,03 tỷ USD, tăng 19,96%; thủy sản tăng 25,31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự kiến, trong 5 háng cuối năm 2012, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này sẽ đạt khoảng 6 tỷ USD, như vậy, cả năm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản có thể đạt 13,6 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra là 11 tỷ USD.
Trong nhiều năm qua, Nhật Bản luôn là thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam, đặc biệt đối với các mặt hàng dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ, rau quả, cao su, chè….
Mới đây, ông Nguyễn Văn Tiến, Tổng Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu An Giang, cho biết lượng gạo xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc thời gian gần đây bắt đầu gia tăng. Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cũng cho biết Nhật Bản, Hàn Quốc là những thị trường tiềm năng của gạo Việt Nam trong thời gian tới.
Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Trung Dũng cho rằng doanh nghiệp cần tận dụng tối đa Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản có hiệu lực vào tháng 10/2009. Trong 10 năm kể từ khi hiệp định này có hiệu lực, 84,6% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản sẽ tiến tới miễn thuế, tạo môi trường thuận lợi cho hàng Việt Nam xuất sang nước này, đặc biệt nông sản, thực phẩm, thủy sản, đồ gỗ, dệt may và các mặt hàng công nghiệp khác.
Theo ông Dũng, hiện nay thị phần hàng hóa Việt Nam so với nhu cầu ở Nhật Bản mới chỉ ở mức rất thấp do quy mô sản xuất nhỏ, cũng như khả năng thu mua với khối lượng lớn chưa có và chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường Nhật Bản.