Bến cá Quất Lâm (Giao Thủy)
Từ cuối thế kỉ XIX đến nửa đầu XX, nguồn cá tự nhiên ở vùng nội đồng cũng như ven biển rất nhiều. Vì thế đánh bắt cá bằng các phương tiện thô sơ (chài, lưới, câu, đó, đơm, túm, dậm...) phổ biến khắp mọi xóm thôn.
Đánh bắt các loại tôm tép, cá dưới 6 tháng tuổi rất phổ biến ở vùng châu thổ sông Hồng vào nửa đầu thể kỉ XX. Tại Nam Định có các làng đánh cá Định Hải (tổng Hà Cát, Xuân Trường), Đông Linh (tổng Thượng Kì, Nghĩa Hưng), Giang Tả (tổng Giang Tả, Mỹ Lộc)...
Vào giữa thấp kỉ 1930, Nam Định có nhiều “làng nổi”, gồm các cư dân sống trên các loại thuyền tam bản hoặc thậm chí trên các loại thuyền bè đơn giản khác được làm đơn giản bằng các vật liệu thô sơ . Số cư dân sống bám sông nước ít nhiều có tham gia đánh bắt cá. Loại “làng nổi” này ở Nam Định tập trung ở thôn Lạc Chính (Lạc Chính, Ý Yên), Hoành Quán (Thuỷ Nhai, Xuân Trường), An Phú Giao (Cát Xuyên, Xuân Trường), Thanh Hương (Hà Cát, Xuân Trường), Thuỷ Cơ (An Cự, Vụ Bản), Lạc Phương Môn (Ninh Giang, Trực Ninh), Trung Hoà (Ngọc Hạ Giả, Trực Ninh), Đại Môn (Sĩ Lâm, Nghĩa Hưng), Thuận Hậu (Sĩ Lâm, Nghĩa Hưng), Trạng Vinh (Trạng Vinh - Nghĩa Hưng)...
Tuy nhiên chỉ có một số “làng nổi” kiếm sống bằng nghề đánh cá thuần tuý là Hoành Quán (Thuỷ Nhai, Xuân Trường), nơi cư dân đánh bắt cá chuyên nghiệp ở sông Ninh Cơ kể từ Hành Thiện đến Lạc Quần.
Đánh cá ven biển chủ yếu bằng các loại thuyền tam bản, có trọng tải dưới 20 tấn. Có nhiều hộ đánh cá dọc theo bờ biển. Tuy ở vùng châu thổ sông Hồng có không nhiều làng đánh cá biển, nhưng ở Nam Định lại khá đông. Vào nửa đầu những năm 1930 có các làng Quần Phương Hạ (tổng Ninh Mỹ, Hải Hậu); Quất Lâm (tổng Quất Lâm, Xuân Trường), Kiên Hành (Xuân Trường)... có nhiều gia đình chuyên đánh cá biển, nhưng chỉ có hai làng Quần Phương Hạ và Quất Lâm mới đúng làng nghề đánh cá biển.
Đàn gia súc, gia cầm chủ yếu gồm trâu, bò, lợn và gà. Trâu bò là sức kéo chủ yếu nên có ở mọi địa phương. Trong những thập niên đầu thế kỉ 20, trung bình khoảng 2 hộ có 1 trâu hoặc bò để cày kéo.
Số lượng bò nhiều hơn trâu. Giống bò của Nam Định trước đây chủ yếu là giống bò vàng Thanh Hoá, có thân hình thấp, bé, lông vàng, bụng to, trọng lượng trung bình khoảng 1 tạ/con. Loại bò này phù hợp với điều kiện của địa phương trong một thời gian dài bởi chúng dễ nuôi, có sức chống chịu cao, mắn đẻ, thịt ngon (nhưng tỷ lệ thịt thấp), sức kéo yếu. Trâu được chăn nuôi tập trung ở vùng ruộng trũng phía bắc. Đàn bò phát triển chính ở vùng nông nghiệp phía nam.
Hầu hết mọi nhà ở nông thôn Nam Định đều nuôi từ 1 con lợn trở lên. Giống lợn ở Nam Định thời kì chủ yếu là lợn ỷ: ỷ gộc, ỷ pha và ỷ cỏ. Các loại này, lưng võng, thịt mỡ nhiều có ưu điểm là dễ nuôi, thịt ngon, chịu dịch bệnh cao, mắn đẻ nhưng vóc nhỏ, chậm lớn, trọng lượng xuất chuồng thường dưới 50 kg.
Gà ở địa phương chủ yếu là giống gà ri, giống nhỏ, dễ nuôi, thịt ngon, mắn đẻ. Thức ăn cho gia cầm chủ yếu sử dụng các chất thừa trong sinh hoạt gia đình. Nuôi gia cầm có thể được coi như nghề phụ trong gia đình. Lợn, gà nuôi chủ yếu làm thức ăn trong ngày giỗ, tết, cưới xin và bán để trang trải chi tiêu trong gia đình.