Nuôi tôm nước lợ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long tập trung tại 8 tỉnh ven biển bao gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau, với 2 đối tượng chính là: Tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Hiện diện tích nuôi tôm nước lợ toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt trên 600 nghìn ha.
Để nuôi tôm nước lợ ở khu vực này đạt hiệu quả kinh tế cao, thời gian qua, các ngành chức năng đã tạo mọi điều kiện quan tâm hỗ trợ cũng như quản lý ngày càng chặt chẽ nghề nuôi tôm. Bên cạnh đó, các quy hoạch, chương trình, đề án đã đạt những hiệu quả thiết thực, tạo tiền đề thực hiện các chiến lược, kế hoạch phát triển ngành tôm. Trình độ chuyên môn kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất tôm giống, nuôi tôm sú, tôm thẻ của các cơ sở sản xuất, hộ dân đã được nâng lên. Hoạt động sản xuất giống trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng dần được xã hội hóa, cung cấp tôm giống chất lượng ra thị trường.
Nhằm nâng cao chất lượng tôm thương phẩm, dự thảo Quy hoạch nuôi tôm nước lợ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 là hơn 600 nghìn ha, trong đó, tôm sú khoảng 550 nghìn ha, còn lại là tôm thẻ chân trắng. Tổng sản lượng gần 750 nghìn tấn. Giá trị xuất khẩu khoảng 3,8 tỷ USD, sẽ tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động.
Trong quy hoạch nuôi tôm nước lợ, các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long quan tâm đến việc xây dựng hạ tầng thủy lợi, vì hiện nay, hạ tầng thủy lợi khu vực này chưa hoàn thiện. Hệ thống kênh cấp - thoát nước chưa đáp ứng nhu cầu nên gây khó khăn cho sản xuất và kiểm soát dịch bệnh. Ngoài ra, hầu hết các hộ nuôi đều không có ao lắng, ao xử lý thải, khu vực xử lý bùn đáy ao. Chình vì vậy, khi tôm bị dịch bệnh, người nuôi xử lý không triệt để, hoặc xả thải nước ao nuôi trực tiếp ra môi trường làm dịch bệnh lây lan.
Hiện nay, hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chưa đồng bộ, nhất là hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng nhu cầu người nuôi tôm. Hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản khu vực này vẫn dựa trên hệ thống thủy lợi xây dựng cho sản xuất lúa trước đây, do vậy, không đảm bảo cung cấp đủ lượng nước phục vụ nuôi trồng thủy sản. Hàng năm, tình trạng tranh chấp nước mặn - ngọt vẫn còn xảy ra giữa nuôi tôm và trồng lúa. Các địa phương gặp không ít khó khăn trong việc điều tiết nước hài hòa để phục vụ cây lúa và con tôm. Tình trạng thiếu nước mặn vẫn còn xảy ra ở một số địa phương làm ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm.
Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, tổng nhu cầu nguồn vốn theo quy hoạch và xây dựng hệ thống thủy lợi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là trên 19 nghìn tỷ đồng. Theo đó, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đã sắp xếp, tập trung đầu tư các dự án, công trình thủy lợi cấp thiết ở các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long từ nay đến năm 2020 là khoảng 7 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, ưu tiên đầu tư 12 dự án thủy lợi phục vụ nuôi tôm quảng canh cải tiến, thâm canh, bán thâm canh ở các tỉnh: Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang và Long An.
Có thể thấy, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn tiềm năng rất lớn để phát triển nuôi tôm nước lợ, chính vì vậy, trong thời gian tới, cần có một quy hoạch cụ thể, tạo cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển lĩnh vực này; đồng thời, cần phải có các giải pháp về khoa học - công nghệ, khuyến ngư và hợp tác quốc tế, thị trường và xúc tiến thương mại; nâng cao chất lượng nguồn nước phục vụ nuôi tôm nước lợ khu vực ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, giảm thiểu ô nhiễm hữu cơ và một số chất có hại khác tại các khu vực cống điều tiết nước mặn; đồng thời, xây dựng các vùng sản xuất tôm giống đạt chất lượng cao với số lượng lớn để cung cấp cho vùng nuôi tôm nước lợ, nhất là tôm thẻ chân trắng./.