Tăng cả lượng và chất
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), diện tích nuôi tôm của nước ta tăng từ 639.115ha (năm 2010) lên 720.000ha (năm 2017). Cùng với đó, sản lượng tôm cũng tăng đáng kể, từ 469.893 tấn (năm 2010) lên 723.800 tấn (năm 2017). Ông Nguyễn Mạnh Dũng, nguyên Trưởng Phòng Phát triển thị trường - Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết: "Từ năm 2008, sau khi Bộ NN&PTNT có chủ trương cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng ĐBSCL, tôm thẻ chân trắng đã trở thành đối tượng nuôi quan trọng thứ hai sau tôm sú. Hiện ĐBSCL là khu vực nuôi tôm lớn nhất cả nước chiếm tới 94,3% và 75,8% so với diện tích nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng cả nước".
Cùng với diện tích và sản lượng gia tăng nhanh chóng, ngành tôm đã trở thành ngành công nghiệp phát triển theo chuỗi sản xuất từ con giống - nuôi - chế biến - xuất khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như: ASC, GlobalGAP, BAP... đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Hiện cả nước có trên 350 cơ sở chuyên và không chuyên chế biến tôm với công suất lên đến trên 1,4 triệu tấn nguyên liệu/năm. Ngoài sản phẩm truyền thống, ngành tôm Việt Nam còn chế biến phụ phẩm tôm thành các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như: thô phẩm cho ngành dược, phụ gia thức ăn chăn nuôi, sản phẩm cho ngành gia vị, phân bón...
Việt Nam luôn nằm trong tốp 5 nước sản xuất và xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới. Tôm Việt Nam đã xuất khẩu sang 157 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thị trường xuất khẩu chủ yếu vẫn là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN... Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 3,8 tỉ USD, tăng 181% so với năm 2010. Ông Vũ Duyên Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế - Tổng cục Thủy sản, cho biết: "Sản phẩm tôm xuất khẩu của nước ta rất đa dạng: tôm đông lạnh, tôm sinh thái, tôm hùm, tôm chế biến giá trị gia tăng... Các sản phẩm này đều được chế biến theo công nghệ tiên tiến, cơ sở chế biến đạt tiêu chuẩn HACCP, SSOP... Không chỉ vậy, con tôm Việt Nam còn đáp ứng các yêu cầu khắt khe về môi trường, trách nhiệm xã hội, an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe động vật của từng thị trường Mỹ, EU...".
Khẳng định vị thế
Những thành quả con tôm đạt được thời gian qua được xem là kỳ tích. Tuy nhiên, những rào cản, khó khăn đã và đang diễn ra cũng không phải dễ dàng vượt qua. Theo ông Vũ Duyên Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế - Tổng cục Thủy sản, xuất khẩu tôm nước ta thường theo quy trình từ doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B). Doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài nhập về để chế biến lại phục vụ người bán buôn, bản lẻ. Lúc này sản phẩm tôm Việt Nam được gắn nhãn mác, thương hiệu của nhà nhập khẩu dẫn đến các nhà bán buôn, bán lẻ và người tiêu dùng không hề biết tôm đó có xuất xứ từ Việt Nam. Nhưng rõ ràng, tôm Việt Nam đã gián tiếp chinh phục các thị trường khó tính và được người tiêu dùng chấp nhận do đã đạt được tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Vậy làm gì để con tôm Việt Nam khẳng định vị thế của mình tại thị trường quốc tế?
Câu trả lời đưa ra là phải xây dựng và đề ra chiến lược quảng bá thương hiệu tôm Việt Nam. Theo ông Lê Hữu Thọ, Giám đốc Công ty cổ phần chứng nhận Globalcert, việc định vị thương hiệu của doanh nghiệp thủy sản cần dựa trên nền tảng thương hiệu thủy sản quốc gia và sự khác biệt của từng doanh nghiệp. Xây dựng thương hiệu là một chặng đường dài cần có một chiến lược định vị thương hiệu quốc gia đối với các sản phẩm thủy sản chủ lực nói chung và sản phẩm tôm nói riêng. Đây được xem như là "móng nhà". Đồng thời, ở góc độ doanh nghiệp cũng cần định vị thương hiệu cho chính sản phẩm của mình như là "các phòng chức năng riêng biệt" dựa trên "móng nhà" chung đã xây dựng trước đó.
Theo Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển ngành tôm đến năm 2025, ngành tôm Việt Nam sẽ phát triển qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 2017-2020: diện tích nuôi tôm phải đạt 710.000ha, sản lượng 850.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 4,5-5 tỉ USD. Giai đoạn 2021-2025: diện tích 750.000ha, sản lượng 1,1 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 10 tỉ USD.
"Để đạt được mục tiêu này, Bộ NN&PTNT sẽ tiến hành rà soát, quy hoạch các vùng nuôi tập trung công nghiệp, công nghệ cao; vùng sản xuất giống tập trung. Bên cạnh đó sẽ hình thành các vùng nuôi tôm sinh thái, nuôi quảng canh quy mô lớn ở ĐBSCL. Ngành nông nghiệp tập trung nghiên cứu, chọn tạo đảm bảo trước năm 2025 đủ tôm giống bố mẹ sạch bệnh, tăng trưởng nhanh và kháng bệnh; làm chủ công nghệ sản xuất thức ăn nuôi tôm... Đồng thời, tăng cường áp dụng các công nghệ tiên tiến trong chế biến tôm để nâng cao tỷ trọng hàng giá trị gia tăng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu"- Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Tĩnh, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II thông tin.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, tại thị trường trong nước, cũng cần có các chương trình quảng bá riêng về tôm để kích cầu tiêu dùng nội địa sẽ góp phần giảm bớt rủi ro khi thị trường xuất khẩu có biến động xấu.