Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Hiệp hội Năng lượng mới và tái tạo Hàn Quốc (KNREA) vừa tổ chức hội thảo quốc tế về tích hợp nuôi trồng và chế biến thủy sản, trái cây… và năng lượng tái tạo.
Những thông tin tại hội thảo cho thấy năng lượng tái tạo sẽ giúp giảm chi phí nuôi trồng thủy sản, giảm áp lực cung cấp điện cho các vùng nuôi công nghiệp.
Theo ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT), trong nuôi tôm thâm canh ở nước ta hiện nay, chi phí tiền điện chiếm tỷ lệ không nhỏ, khoảng 10%. Tính ra mỗi ha nuôi tôm thâm canh, chi phí tiền điện từ 50 - 200 triệu đ/vụ. Điều đáng lo ngại hơn là đang có khoảng 10 - 30% diện tích nuôi tôm thâm canh ở nước ta thường xuyên bị thiếu điện.
Thông tin từ các hộ nuôi tôm chuyên nghiệp cho hay, trong nuôi tôm thâm canh, nếu thiếu điện chạy máy sục khí oxy, sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, sự phát triển của con tôm. Để chạy máy sục khí oxy thường xuyên, nhiều trang trại đang phải dùng máy chạy bằng dầu, làm tăng đáng kể chi phí nuôi tôm.
Theo TCty Điện lực Miền Nam (EVN SPC), sản lượng điện phục vụ nuôi trồng thủy sản (NTTS) tăng gấp 2 lần mỗi năm ở khu vực phía Nam. Dù EVN SPC luôn nỗ lực cung cấp điện cho NTTS, nhất là nuôi tôm công nghiệp, nhưng việc cấp điện vẫn gặp nhiều khó khăn như quy hoạch vùng nuôi tôm chưa hoàn thiện; đa số các hộ nuôi nhỏ lẻ, thời điểm thả giống lại đồng loạt làm quá tải cục bộ; đa số các hộ nuôi đang sử dụng chính điện sinh hoạt để chạy máy sục oxy, nhiều hộ sử dụng những thiết bị nuôi tôm có hiệu suất thấp, tiêu thụ điện năng cao, dẫn đến quá tải lưới điện và quá trình cung cấp điện...
Chính vì vậy, phát triển năng lượng tái tạo cho hệ thống NTTS cần được coi là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy NTTS. Đại diện EVN SPC cho rằng, giải pháp này sẽ góp phần giảm tải cho hệ thống điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện năng cho hệ thống NTTS tại chỗ, tiết kiệm chi phí vận hành, giảm phát thải khí CO2 ra môi trường. Giá thành sản xuất năng lượng mặt trời nói riêng, năng lượng tái tạo nói chung lại không bị biến động như năng lượng truyền thống. Chi phí đầu tư cũng sẽ giảm dần do sự phát triển của những công nghệ mới. Do đó, dùng năng lượng tái tạo trong NTTS về lâu dài sẽ giúp giảm đáng kể chi phí đầu vào.
Dùng năng lượng tái tạo trong NTTS đang được nhiều nước thực hiện. Ông Nguyễn Văn Vi, PCT Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, trong năm 2016, Trung Quốc đã triển khai dự án lớn với tổng vốn đầu tư tới 262 triệu USD, kết hợp năng lượng mặt trời với NTTS tại tỉnh Triết Giang. Với sản lượng điện 220 GWh, dự án này đã đáp ứng được nhu cầu điện cho NTTS và sinh hoạt của 100.000 hộ. Ở Thái Lan, Canada…, nhiều dự án dùng năng lượng tái tạo phục vụ NTTS đã được triển khai thành công. Tính toán của các chuyên gia năng lượng quốc tế cho thấy, năng lượng tái tạo giúp tăng hiệu quả kinh tế cho NTTS từ 90.000 - 140.000 USD/ha/năm.
Theo bà Nguyễn Thị Hiền Trang (Cty GIZ Việt Nam), ở Trung Quốc, hệ thống sản xuất năng lượng mặt trời được lắp đặt trên mặt nước hay mái che một phần; ở Canada, hệ thống sản xuất năng lượng mặt trời được lắp đặt cạnh nơi nuôi trồng; ở Thái Lan thì ứng dụng hệ thống phao nổi trên ao nuôi, hay lắp đặt trên mặt đất… Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi và ứng dụng những mô hình nói trên.
Hiện EVN SPC đang nghiên cứu phương án tích hợp tấm pin năng lượng mặt trời với bộ động cơ của dàn quạt trong nuôi tôm ở các tỉnh phía Nam. Bên cạnh đó, EVN SPC đang tiếp tục đẩy mạnh giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm ở các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau và Bạc Liêu giai đoạn 2018-2019, với hy vọng sẽ giúp người nuôi tôm ở những địa phương này tiết kiệm được hàng tỷ đồng tiền điện mỗi năm và ngành điện lực giảm được áp lực về cung cấp điện cho các vùng nuôi tôm thâm canh.
Đại diện của KNREA cho hay, Hàn Quốc đã có kinh nghiệm phát triển nhiều mô hình, dự án năng lượng tái tạo, trong đó co việc tích hợp với NTTS. Do đó, KNREA sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để phát triển năng lượng tái tạo trên ao hồ, trên biển, tích hợp năng lượng tái tạo với NTTS.