Qua hơn 6 năm triển khai thực hiện, năng suất tôm bình quân tăng 48,91%, vượt 18,91% so với mục tiêu đề án (30%). Trong khi đó, năng suất lúa bình đến năm 2014, mặc dù tăng 19% so với năm 2008, nhưng chỉ đạt 76% so với mục tiêu đề án (là 25%); riêng năm 2015 do ảnh hưởng của El Nino nên năng suất lúa bình quân chỉ xấp xỉ năm 2008 (đạt 3,67 tấn/ha).
Số hộ nuôi tôm, trồng lúa nắm được các quy trình kỹ thuật cơ bản trong sản xuất qua các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến ngư đã tăng 5% so với mục tiêu đề án đề ra (90%). Năng lực và cơ sở vật chất cho lực lượng khuyến nông, khuyến ngư, quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giống từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm đầu tư đúng theo Kế hoạch được duyệt, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao...
Đề án đã đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2015. Tổng sản phẩm toàn tỉnh (GRDP - giá hiện hành) từ 18.078 tỷ đồng (năm 2008) lên 43.098 tỷ đồng (năm 2015), tăng 25.020 tỷ đồng. Trong đó, sản phẩm (GRDP - giá hiện hành) nông, lâm nghiệp và thuỷ sản từ 7.831 tỷ đồng (năm 2008) tăng lên 13.389 tỷ đồng (năm 2015), tăng 5.558 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người (năm 2008) là 925 USD, đến năm 2015 đã tăng lên 1.650 USD (tăng 725 USD).
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần thành công của đề án đó là công tác tổ chức xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất tôm, lúa có hiệu quả. Việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất với nhiều loại hình phong phú, phù hợp với nhận thức của nông dân.
Trong các năm qua, việc nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả cao đã được thực hiện ở hầu hết các địa phương và kết quả khá khả quan. Năng suất và hiệu quả hầu hết diện tích nuôi tôm và trồng lúa đều tăng nhiều so với trước khi triển khai thực hiện đề án.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đánh giá, mặc dù thời tiết từng lúc, từng thời điểm có nhiều bất lợi, song đề án đã góp phần rát lớn trong sự tăng trưởng chung của tỉnh, nổi bật năng suất tôm nuôi vượt 18% so kế hoạch đề ra. Qua thực tế triển khai, về sản lượng và chất lượng giống (cả giống thuỷ sản và giống nông nghiệp) đã được nâng lên bước đáng kể. Liên kết trong cánh đồng lớn là bước đột phá trong chuỗi liên kết sau này. Sự thành công của đề án cũng thể hiện sự đúng đắn trong chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành; góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chỉ đạo, trong quá trình thực hiện đề án từng lúc từng nơi cũng còn thiếu chặt chẽ, hạ tầng thuỷ lợi chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất lúa tôm; việc lồng ghép các nguồn vốn còn nhiều hạn chế... Vì vậy, ngành NN&PTNT cần nghiêm túc rút kinh nghiệm cho tất cả các chương trình, đề án trong thời gian tới./.