Ông Nguyễn Văn Lư đã làm được điều đó, khiến nhiều người cảm phục và trân trọng phong ông là “vua” mô hình phát triển nông nghiệp hàng hóa bền vững ở Hợp Thanh.
Từ hai bàn tay trắng đi lên...
Gia đình đông con, hai vợ chồng ông bươn chải làm ăn đủ các nghề, phiêu bạt đi làm thuê khắp nơi nhưng cái đói cái nghèo cứ đeo bám mãi. Nhiều đêm, hai vợ chồng ông băn khoăn suy nghĩ làm sao để thoát khỏi cảnh đói nghèo trên mảnh đất chiêm trũng quê hương.
Năm 1991, ông Lư bàn với gia đình đấu thầu 9 ha ruộng trũng của Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) Hợp Thanh để trồng lúa nhưng khoản thu nhập từ trồng lúa không thể đủ trang trải cuộc sống cho cả gia đình. Nhớ tới lời các cụ dạy: “Nhất nuôi cá, nhì gá bạc”, ông Lư nghĩ với diện tích đất thuộc chân ruộng trũng mà ông đấu thầu chỉ có nuôi cá là có thể hiệu quả kinh tế nhanh chóng, khéo ra thì chỉ 2 đến 3 vụ nuôi là ông trả hết được nợ nần. Nghĩ là làm, ông Lư huy động sức lao động của toàn gia đình để đắp đập, be bờ, thả cá trong niềm phấn chấn hy vọng về một vụ bội thu.
Đứng dậy sau nhiều cú ngã
Đầu tư nuôi cá chưa được bao lâu thì nào ngờ ông liên tục thất bại nặng nề do chưa có kinh nghiệm. Nhìn nỗi thất vọng của vợ con, ông Lư không cam lòng gục ngã. Ông Lư đi học hỏi kinh nghiệm nuôi cá lúa thành công ở Hà Nam, Hải Dương…Về nhà, ông quyết định đầu tư lớn hơn về cá giống và thức ăn. Cá nuôi đang sinh trưởng phát triển rất thuận lợi, hứa hẹn một vụ nuôi thắng lợi lớn thì bất ngờ giữa năm 1994, dịch bệnh cá trắm cỏ xảy ra khiến cá chết nhiều vô kể. Ông chưa kịp “hoàn hồn” về nỗi mất đàn cá trắm cỏ thì cuối năm lmột đợt lũ lớn đã phá vỡ hết bờ bao, cuốn cá trôi theo dòng nước.
Tiếc đứt ruột nhưng không làm sao cứu vãn nổi. Những người thân trong làng lúc đó đều lo lắng ông Lư không đủ sức chống đỡ trước thất bại liên tiếp và có nguy cơ vỡ nợ. Với suy nghĩ đất đai không thể phụ công người chịu khó, ông động viên vợ con mình cứ chăm chỉ cần cù làm ăn, đổi mới phương thức sản xuất.
Ông Lư lại chạy vạy vay mượn khắp nơi với lãi suất cao. Có nơi phải vay 1 tấn thóc trả gấp đôi trong vòng 6 tháng, lượng thóc vay đã lên đến 80 tấn. Chính lúc khó khăn nhất thì ý chí làm giàu của ông Lư lại càng mãnh liệt hơn bao giờ hết. Ông quyết tâm làm lại từ đầu.
Sau khi nước lũ cuốn trôi tất cả cá, lúa, ông bắt đầu thu dọn và tiến hành bắt tay vào đắp lại bờ bao chắc chắn trước khi thả cá để tránh thiệt hại không mong muốn. Ngoài thả cá và cấy lúa ông còn nuôi thêm 2.000 con vịt đẻ theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Vừa làm vừa học hỏi bạn bè, đặc biệt được sự hướng dẫn tận tình, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào ruộng đồng của cán bộ khuyến nông.
Bài học kinh nghiệm
Sau nhiều lần thất bại, ông Lư mới chiêm nghiệm ra bí quyết thành công. Đó là phải đoạn tuyệt với tập quán canh tác cổ truyền, áp dụng triệt để qui trình sản xuất theo khoa học. Theo cách làm của ông: Trong canh tác lúa như áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây lúa, ba giảm – ba tăng. Trong nuôi cá áp dụng các biện pháp sinh học để xử lý nước, sử dụng các cây thảo mộc như đơn kim, nghể răm, cây chuối để phòng bệnh cho cá; tập trung nuôi các giống cá mới có giá trị kinh tế cao, như chép lai, rô phi đơn tính, trắm cỏ. Ông nhấn mạnh, với mô hình cá – lúa phải chú ý kỹ thuật tạo lúa chét (làm lúa tái sinh), dâng nước hợp lý để cá lên ăn lúa và làm sạch đồng ruộng giúp cá vừa mau lớn và lúa không bị sâu bệnh.
Hiện tại với 9 ha sản xuất theo phương thức kết hợp giữa cấy lúa, nuôi cua đồng, thả cá đã mang lại cho gia đình ông khoản thu nhập từ 500 – 600 triệu đồng một năm. Riêng đối với con cua, mấy năm nay cua đồng rất được giá nên ông thu được gần 2 tấn cua mỗi năm, bán buôn ông thu về 200 triệu đồng từ cua.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế hộ gia đình, ông Lư vẫn luôn giúp đỡ bà con hàng xóm về kinh tế bằng hình thức cho vay vốn lãi suất thấp và chia sẻ kinh nghiệm với các hộ trong thôn, xã có hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay trang trại ông Lư đã tạo công ăn việc làm cho 30 – 40 lao động mang tính thời vụ, với thu nhập bình quân 2 – 3 triệu đồng/tháng.
Đối với vùng quê còn nghèo khó như xã Hợp Thanh thì gia đình ông Nguyễn Văn Lư được coi là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế hộ gia đình, được bà con ngưỡng mộ, học tập và làm theo.