Dọc vùng cát ven biển Ngũ Điền (từ xã Phong Hải đến xã Điền Hương), là sự đìu hiu, khác thường so với cảnh nuôi tôm sôi động của nhiều vụ trước. Một số vùng nuôi chỉ lác đác vài ao hồ mới thả tôm giống cách đây chừng 10 ngày.
Ông Trương Công Lợi ở xã Phong Hải - một trong số ít chủ hộ mạnh dạn thả nuôi trong vụ này cũng đứng ngồi không yên, khi tôm mới chỉ bước qua hai tuần tuổi. “Đa số người dân chọn giải pháp an toàn, tạm dừng nuôi để tránh rủi ro. Tại thôn Hải Thế có chừng 10 hộ thả nuôi, còn các thôn Hải Đông, Hải Nhuận chỉ mới thả giống vài hộ vì sợ dịch bệnh, tôm chết, hoặc chậm phát triển. Điều mà bà con lo ngại là nguồn nước biển vẫn còn ảnh hưởng sau sự cố môi trường xảy ra từ ngày 15/4”, ông Lợi nêu lý do bà con không thả nuôi.
Các đợt xảy ra sự cố môi trường biển từ ngày 15/4-24/4 và hai đợt sau đó khiến tôm nuôi trên cát ven biển chết hàng loạt. “Tôm nuôi của người dân đã từ 10 ngày đến hơn tháng rưỡi, đang phát triển tốt, bỗng chết đột ngột. Sau khi xử lý môi trường, tiêu hủy, chúng tôi tiếp tục mua giống, đưa nước biển vào nuôi. Chỉ sau vài ngày thả, tôm lại chết hàng loạt. Bình quân mỗi ao nuôi 3.000 m2 ước thiệt hàng trăm triệu đồng trở lên”, ông Võ Thùy ở thôn Hải Thế bày tỏ.
Ông Võ Quyên ở thôn Hải Thế tâm sự: “Ai cũng muốn thả nuôi, mong có lãi để bù lại các vụ trước bị thua lỗ. Nhưng phần vì khó khăn về kinh phí, phần không yên tâm trước sự cố môi trường biển vẫn còn ảnh hưởng khiến bà con lo ngại, không dám nuôi”.
Ông Phan Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Hải không khỏi lo lắng trước tình trạng người dân bỏ trống ao hồ. Sau khi có khuyến cáo của cơ quan chức năng về nguồn nước biển vẫn an toàn cho nuôi trồng thủy sản, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân thả nuôi đúng thời vụ. “Chúng tôi chỉ tuyên truyền, vận động, còn nuôi hay không tùy thuộc vào điều kiện, năng lực của bà con”, ông Khánh chia sẻ. Đến nay, số hộ thả nuôi mới khoảng 30-40% so với diện tích toàn xã gần 100 ha. Trong khi thời điểm này của nhiều năm trước, tôm nuôi đã 1-2 tháng tuổi.
Cải tạo ao hồ, sẵn sàng thả nuôi khi môi trường ổn định
Vùng nuôi tôm tại các xã Điền Lộc, Điền Hương, Điền Môn, Điền Hòa, chỉ rải rác một vài ao hồ mới thả nuôi, thậm chí có địa phương hầu như bỏ trống ao hồ. Ông Nguyễn Huy ở xã Điền Hương, một trong những hộ đầu tiên khai hoang vùng cát để nuôi tôm, đến nay “cơ ngơi” đến 5 ha, chia làm 10 hồ. dù nhiều kinh nghiệm, thâm niên nuôi tôm, nhưng vụ này ông Huy vẫn không dám thả nuôi hết ao hồ.
Ông Trần Gia Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hương cho biết, ngoài các hộ nuôi nhiều hồ, diện tích lớn thì đã thả giống một vài hồ, còn các hộ nuôi ít thì hầu như không ai dám thả. Họ đang thăm dò, đợi các hộ nuôi trước có thành công hay không, hoặc khi nào cơ quan chức năng công bố “biển sạch”, cá ăn được hoàn toàn thì mới thả nuôi bình thường. Đến nay, toàn xã Điền Hương có khoảng 60 ha ao hồ, song mới chỉ thả nuôi khoảng vài ha.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phong Điền khẳng định, nguyên nhân chính khiến bà con ngại nuôi là do ảnh hưởng sự cố môi trường biển. Toàn huyện có khoảng 450 ha nuôi tôm trên cát, trong tổng diện tích quy hoạch 800 ha. Riêng diện tích của các hộ dân đến nay gần 200 ha, song vụ này người dân chỉ thả nuôi khoảng vài chục ha. Ngành nông nghiệp huyện đang tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình môi trường để có hướng xử lý kịp thời; đồng thời hướng dẫn người dân kỹ thuật nuôi hạn chế dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh...
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh: nguồn nước biển hiện nay vẫn đảm bảo an toàn, thích hợp cho nuôi trồng thủy sản. Qua kiểm tra, một số ao hồ đã thả nuôi, tôm đang phát triển tốt. Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân không nên quá lo lắng, mà cần thả nuôi bình thường, đúng thời vụ. Nhiều hộ hiện đang thăm dò, theo dõi môi trường và một số hộ đang nuôi, sau khi nhận được kinh phí bồi thường sự cố môi trường biển sẽ thả nuôi để kịp cung ứng thị trường trong dịp tết.