FMC là một công ty chế biến thủy sản hoạt động khá hiệu quả và luôn nằm trong top 10 nhà chế biến và xuất khẩu lớn nhất ngành thủy sản Việt Nam. 10 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu FMC đạt gần 122 triệu USD, chiếm tỷ trọng 1,57% giá trị xuất khẩu toàn ngành, xếp vị trứ thứ 7.
Bước đường cùng
HVG bắt đầu hành trình nâng tỷ lệ sở hữu tại FMC từ năm 2013 khi HVG mua 5 triệu cổ phiếu FMC (tương đương 40,33% vốn) thông qua đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu của HVG tại FMC từ 1,43% lên 41,76% vốn FMC.
Từ năm 2015, HVG có nhiều đợt chào mua công khai FMC để nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty này. Đỉnh điểm là đợt chào mua công khai 2,5 triệu cổ phiếu FMC với giá 24.000 đồng/cổ phiếu, nhằm tăng lượng cổ phiếu nắm giữ từ 7,5 triệu cổ phiếu lên 10 triệu cổ phiếu (50% vốn của FMC).
Sao Ta là công ty chủ chốt trong chiến lược tiến sang ngành chế biến tôm của Hùng Vương, đồng thời cũng là công ty đang có hiệu quả kinh doanh tốt nhất trong hệ thống Hùng Vương.
Quyết định bất ngờ này được đánh giá như những nước đi cuối cùng khi “ông vua” đã bị dồn vào thế chân tường. Bởi chỉ mới đầu năm Hùng Vương dù nhận được lời đề nghị từ đối tác Nhật Bản, cũng đã khước từ thương vụ bán Sao Ta với giá 460 tỷ đồng. “Lấy vài trăm tỷ đồng mà để mất đi thương hiệu Sao Ta và mất đi ngành tôm thì không đáng”, ông Minh từng chia sẻ trong ĐHĐCĐ thường niên mới tổ chức và cho biết doanh nghiệp này vẫn nuôi hy vọng phát triển thêm ngành tôm trong tương lai.
Trước đó, ông Dương Ngọc Minh – Chủ tịch HĐQT của HVG cho biết, HVG buộc phải thoái vốn ở một số công ty con vì cơ chế tín dụng ngân hàng trong năm 2017 đối với HVG có sự thay đổi lớn. HVG thoái vốn từng bước nhằm đảm bảo hoạt động cho những công ty mà Hùng Vương thoái vốn và đảm bảo công ăn việc làm cho 16.000 lao động đang làm việc tại công ty và quyền lợi các cổ đông đầu tư vào HVG.
Cái giá của tham vọng dẫn đầu
Năm 2009, khi Hùng Vương lên sàn chứng khoán, danh xưng “Vua cá tra” đã gắn liền với doanh nghiệp này. Hùng Vương khi đó là một trong những doanh nghiệp lớn ngành thủy sản và là doanh nghiệp đứng đầu với riêng dòng sản phẩm cá tra. Có thời điểm kim ngạch xuất khẩu sang 27 nước tại khu vực châu Âu của Hùng Vương đã chiếm 45% toàn thị trường.
Với lợi thế quy mô, hoạt động của Hùng Vương liên tục tăng trưởng mạnh qua những năm sau đó. Từ mức doanh thu hơn 3.100 tỷ đồng vào năm 2009, chỉ sau 2 năm doanh thu của công ty đã tăng hơn gấp đôi lên 7.800 tỷ. Nhu cầu các sản phẩm cá tra không chỉ dừng ở châu Âu, mà cả những khách hàng lớn từ Mỹ và các quốc gia khác cũng tìm đến Hùng Vương.
Sự phất lên nhanh chóng từ hoạt động kinh doanh, một mặt giúp Hùng Vương củng cố vị thế dẫn dầu, nhưng mặt khác lại khiến những người đứng đầu trở nên “mất cảnh giác”. Nhu cầu quá lớn từ thị trường thực tế đã tạo ra sức ép đối với yêu cầu phát triển mở rộng của “Vua cá tra”, điều này khiến ban lãnh đạo công ty phải lựa chọn. Hùng Vương sẽ phát triển một cách từ từ và san sẻ cơ hội với những doanh nghiệp khác, hoặc một mình “ôm” lấy tất cả.
Và tham vọng dẫn đầu khiến Hùng Vương lao vào vay nợ để mở rộng quy mô.
Thuyết minh báo cáo tài chính cho biết, HVG đã cầm cố 5,1 triệu cổ phiếu FMC; 8,2 triệu cổ phiếu VTF; 19 triệu cổ phiếu AGF và quyền sử dụng đất tại 765 Hồng Bàng, Q.6, TP. HCM, nhằm đảm bảo cho khoản vay bằng phát hành trái phiếu nợ 700 tỷ đồng cho BIDV, lãi suất kỳ đầu tiên 8,5%/năm, từ tháng 11/2014; sẽ đáo hạn vào tháng 11/2017. Nợ gốc của khoản trái phiếu nói trên tại ngày 30/09/2017 là 275 tỷ đồng.