Theo ông Lê Hữu Thiện, Giám đốc Công ty Cổ phần Sinh vật cảnh Thiên Đức (huyện Củ Chi, TP.HCM), cá cảnh là một sản phẩm thời trang. Hôm nay người ta mặc cái áo này, ngày mai ta lại muốn mặc cái áo khác. Thú chơi cá cảnh cũng vậy. Con cá cảnh mang lại cái nguồn cảm hứng cho người chơi và người ta luôn khao khát có những cái sản phẩm mới, những giống cá cảnh mới.
Là một sản phẩm mang tính thời trang, nên để cạnh tranh được trên thị trường cá cảnh thế giới, ngành cá cảnh Việt Nam phải chủ động được từ khâu lai tạo, sản xuất ra các dòng cá cảnh mới, hợp thị hiếu của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, đây lại đang là điểm hạn chế lớn của ngành cá cảnh Việt Nam. Ông Thiện cho biết, nhiều dòng cá cảnh vẫn đang phải du nhập từ nước ngoài nên thường đi sau so với các nước khác.
Có những dòng cá cảnh, nước ngoài đã lai tạo, sản xuất, phát triển trên thị trường thế giới được 5 năm, 10 năm thì mới được du nhập vào để sản xuất ở Việt Nam. Dòng cá cảnh đó, với Việt Nam là mới, nhưng với nước ngoài đã là dòng cá cũ vì họ đã tạo ra được những dòng cá mới hơn, độc đáo hơn.
Theo ông Phạm Lâm Chính Văn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM, để các nghệ nhân tạo ra được những dòng, những con cá cảnh đẹp, thì công tác nghiên cứu, chọn tạo giống rất quan trọng. Thúc đẩy việc lai tạo, sản xuất giống cá cảnh mới có cơ hội tạo ra những dòng cá mới có thể sản xuất công nghiệp, trở thành những mặt hàng xuất khẩu.
Trại nuôi cá cảnh của người dân ở huyện Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: nongnghiep.vn
Hoạt động nghiên cứu về giống cá cảnh, tuy cũng đã có sự quan tâm của nhà nước, nhưng chưa được sâu, bởi trong ngành thủy sản hiện nay, ở công tác nghiên cứu giống, các viện, trường, trung tâm… vẫn chủ yếu tập trung vào những đối tượng nuôi lấy thịt.
Bên cạnh vấn đề giống, ngành cá cảnh cũng đang tồn tại nhiều vấn đề khác cần có sự vào cuộc của các viện, trường, nhà khoa học về thủy sản.
Ông Lê Hữu Thiện chia sẻ, cá cảnh có rất nhiều loài, mỗi loài có những đặc tính sinh học riêng biệt. Do thị hiếu của người chơi giá cả thường thay đổi nên nhiều cơ sở cá cảnh phải bổ sung, thay đổi đối tượng nuôi để bắt kịp nhu cầu thị trường. Ví dụ hôm nay nuôi 10 loài cá cảnh này, thì một thời gian sau phải bổ sung thêm 10 loài mới khi người chơi đang có thêm nhu cầu về những loài đó. Mỗi loài cá cảnh lại có những yêu cầu khác nhau về môi trường nước, nhiệt độ, thức ăn, môi trường sinh sản …
Do thiếu các nghiên cứu khoa học về quy trình nuôi cá cảnh nên các cơ sở sản xuất cá cảnh đang phải tự mày mò tìm cách nuôi phù hợp nhất. Do tự mày mò nên các cơ sở cá cảnh không thể nào biết hết được những yêu cầu cơ bản nhất trong quá trình nuôi cho từng loại cá cảnh.
Dịch bệnh cũng đang là nỗi lo lắng thường trực của các cơ sở, trang trại sản xuất cá cảnh. Nhưng theo tiết lộ của ông Lê Hữu Thiện, do chưa có cơ sở chữa trị chuyên ngành cho cá cảnh, nên mỗi khi phát hiện thấy cá có bệnh, hầu hết các chủ trang trại phải tự tham khảo đâu đó rồi tự bốc thuốc, tự tính toán liều lượng và bỏ thuốc xuống bể cá. Như vậy, mới chỉ điều trị bệnh mà chưa thể phòng ngừa, giám sát dịch bệnh xảy ra trên cá cảnh.