Nông dân điêu đứng
Theo Hiệp hội cá tra Việt Nam, từ đầu năm 2013 đến nay, nhất là từ tháng 4 đến tháng 7, giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh. Nông dân lỗ từ 3.000 – 4.000 đồng/kg, dẫn đến không còn vốn để tái đầu tư, diện tích ao trống tăng 40%. TS Võ Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết từ năm 2011-2013, kim ngạch XK cá tra liên tục giảm. Cụ thể, năm 2011, kim ngạch XK của mặt hàng này là 1,8 tỉ USD, năm 2012 phấn đấu đạt 2 tỉ USD nhưng thực tế chỉ đạt hơn 1,75 tỉ USD. Ngành cá tra rơi vào tình trạng gần như khủng hoảng, kéo dài sang năm 2013. 8 tháng đầu năm 2013, giá trị cá tra XK chỉ đạt 1,14 tỷ USD, giảm 2,5% so với cùng kì năm trước.
Báo cáo nghiên cứu của Trường Đại học Cần Thơ cho thấy giai đoạn 2002-2005 tỷ lệ hộ nuôi cá tra bị lỗ là 25%; giai đoạn 2005-2009 là 30% và giai đoạn 2010-2012 lên tới gần 50%. Nguyên nhân chính do tỷ trọng giá trị gia tăng mặt hàng cá tra XK mang về quá thấp, chỉ có 0,68%, trong khi đối với tôm XK là 27,4%, cá ngừ là 37,7%. Số liệu trên cho thấy chế biến và XK cá tra hầu như không có lãi. Tuy nhiên, do không có quy hoạch vùng nguyên liệu và quy chuẩn cá tra thương phẩm nên người dân vẫn đầu tư nuôi dẫn đến giá liên tục hạ.
Để giải quyết những khó khăn của người nuôi cá tra, ông Võ Hùng Dũng cho biết sắp tới Hiệp hội cá tra Việt Nam sẽ họp 2 lần/tháng để cung cấp thông tin cho nông dân, nơi nào tăng sản lượng thì Hiệp hội sẽ điều phối để nơi khác có sự điều chỉnh cho hợp lý. Ngoài ra, ông Dũng khuyến cáo nông dân và các DN cần mở rộng các mô hình nuôi cá tra theo kỹ thuật: GAP (thực hành nông nghiệp tốt), ASC (bảo vệ môi trường, xã hội, và an toàn thực phẩm). Đồng thời mã số hóa vùng nuôi, tạo cơ sở để các DN chế biến và XK thủy sản thực hiện việc ghi xuất xứ sản phẩm trên bao bì và thương hiệu hàng hóa. Trong XK, nên xác định thị trường trọng điểm, thị trường mới để đề ra chiến lược kinh doanh phù hợp.
Quy hoạch DN xuất khẩu cá tra
Ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch ngành hàng cá tra của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong số 160 DN đang tham gia XK cá tra, có khoảng 90 DN không có nhà máy chế biến, vùng nuôi, vì vậy mà giá nào họ cũng bán được. Sở dĩ có tình trạng “phá giá” này là do DN mua bán chịu của nông dân quá nhiều. DN nợ tiền cá của nông dân, rồi bán chịu cho nhà NK. Nếu vay ngân hàng, DN phải có tài sản thế chấp, trả lãi, còn vay của nông dân (bằng việc nợ tiền cá) thì không mất gì, do đó họ sẵn sàng bán giá thấp. Ông Minh khuyến cáo người nuôi cá tra cần có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với DN XK và quy định rõ các điều khoản bồi thường thiệt hại khi xảy ra tranh chấp.
Ông Nguyễn Văn Kịch - TGĐ Công ty XK Cafatex (Hậu Giang) thì cho biết một thực tế: "Mỗi năm Việt Nam mất 300 - 400 triệu USD do không kiểm soát, quản lý được giá XK cá tra. Đồng thời cũng do không kiểm soát được sản lượng, không xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng để quản lý nên dẫn tới hệ lụy là mạnh ai nấy làm, DN, nhà máy đua nhau mọc lên”.
GS Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch VASEP cho rằng vấn đề nan giải hiện nay là không kiểm soát được tổng nguồn cung cá tra. Vì vậy, Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL cần dựa trên quy hoạch chung và giao "quota" cho từng địa phương. Các cơ quan quản lý cần sớm ban hành Nghị định về nuôi, chế biến cá tra XK, trong đó cần xem cá tra là ngành kinh doanh có điều kiện, quy định chỉ cấp phép XK cho những DN có nhà máy chế biến, có vùng nuôi.