Cá Tra của Việt Nam ngày càng được nhiều người biết đến và được tiêu thụ rộng khắp trên thị trường thế giới do có giá trị dinh dưỡng cao, thịt trắng, chắc, hương vị thơm ngon, giá cả hợp lý... Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 1999 Việt Nam mới chỉ xuất khẩu 1.700 tấn cá Tra, đến năm 2010 đã tăng lên 660.000 tấn với giá trị 1,43 tỷ USD. Hai năm sau (năm 2012) tiếp tục tăng lên 1,74 tỷ USD.
Lợi ích của việc gia nhập WTO
Tranh chấp thương mại cá Tra giữa Việt Nam và Mỹ có tác động lớn đến xuất khẩu cá Tra của Việt Nam, song nhờ kết quả của các thoả thuận thương mại song phương giữa hai quốc gia, xuất khẩu cá Tra của Việt Nam sang Mỹ đã tăng mạnh trong những năm đầu thế kỷ hai mươi, chiếm tới 20% thị trường cá Tra tại Mỹ.
Năm 2001, nông dân nuôi cá da trơn Mỹ đã phản ứng trước sự cạnh tranh từ sản phẩm cá Tra Việt Nam có giá thành thấp, bắt đầu với các chiến dịch quảng cáo và sau đó là vận động Quốc hội về Luật nhãn mác chặt chẽ và đỉnh điểm là hành động nộp đơn chống bán phá giá lên Bộ Thương mại Mỹ dẫn tới việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá cho các sản phẩm cá Tra nhập khẩu từ Việt Nam. Ngay sau đó, Việt Nam cũng đã kiện Bộ Thương mại Mỹ lên Toà án Mỹ về Thương mại Quốc tế. Tranh chấp được giải quyết và kết thúc với các thay đổi về luật mô tả thương mại tại Mỹ nhằm hạn chế việc sử dụng tên - "cá da trơn" chỉ dành riêng cho loài cá da trơn nuôi tại Mỹ. Phía Việt Nam đã quyết định thay đổi tên các sản phẩm thành "Tra" hoặc "Basa". Nhờ đó đã khôi phục được xuất khẩu sang Mỹ. Đúng 10 năm sau (năm 2011), Mỹ trở thành nhà nhập khẩu cá Tra lớn nhất của Việt Nam với tổng khối lượng gần 90 nghìn tấn và tổng giá trị là 336 triệu USD.
Với năng lực cạnh tranh mạnh mẽ, sản xuất cá Tra tại Việt Nam đang là mối lo ngại cho các đối thủ, đặc biệt là các nhà sản xuất cá da trơn tại các quốc gia nhập khẩu lớn như Mỹ. Mỹ thường xuyên áp dụng các mức thuế chống bán phá giá với các nhà xuất khẩu cá Tra của Việt Nam. Năm 2012, ba công ty xuất khẩu của Việt Nam - là An Phu Seafood Corp, An Phat Import-Export Seafood Co. Ltd (Godaco), Docifish - đã bị Mỹ áp dụng mức thuế chống bán phá giá lần lượt là 1,37 USD/kg, 1,81 USD/kg và 3,87 USD/kg. Trong khi mức thuế thông thường (áp dụng chung cho các doanh nghiệp) chỉ là 0,33 USD/kg. Mặc dù vậy nhưng triển vọng về tiêu thụ cá Tra của Việt Nam tại Mỹ vẫn rất lớn. Mặt hàng này mới đây đã được đưa vào Danh sách 10 thuỷ sản phổ biến nhất tại Mỹ.
Những khó khăn gặp phải
Hiện Việt Nam vẫn bị coi là nền kinh tế "phi thị trường". Trong thời gian 12 năm (không muộn hơn 31/12/2018), Việt Nam phải chứng minh được với WTO là kinh tế Việt Nam đã hoàn toàn hoạt động theo cơ chế thị trường. Nếu không, chế độ "phi thị trường" sẽ gây bất lợi cho Việt Nam trong các vụ kiện chống bán phá giá. Tuy nhiên, các thành viên WTO cũng không có quyền áp dụng cơ chế tự vệ đặc thù (khác với cơ chế chung trong WTO) đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Chế độ phi thị trường gây tác động lớn đến xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam (trong đó có cá Tra).
Liên quan đến hoạt động thương mại mặt hàng cá Tra
Trong những năm qua, kể từ khi gia nhập WTO, Việt Nam đã thực hiện tốt các cam kết WTO và cam kết trong khu vực: Về hỗ trợ trong nước và trợ cấp xuất khẩu, Việt Nam cam kết duy trì ở mức cho phép của WTO (đối với các nước đang phát triển) cụ thể là: Nhà nước hỗ trợ không quá 10% giá trị sản lượng. Nhờ thế, Việt Nam được tự do áp dụng Chính sách trong nhóm Hộp xanh (Green Box) và Sự ưu đãi Đặc biệt - Khác biệt (S&D) dành cho các nước đang phát triển và chậm phát triển. Ngoài mức cam kết Hộp xanh và trong khuôn khổ Chương trình phát triển của WTO, Việt Nam còn bảo lưu thêm khoản hỗ trợ Hộp hổ phách ở mức tối thiểu là 10% giá trị sản lượng.
Về trợ cấp xuất khẩu, Việt Nam cam kết xoá bỏ trợ cấp ngay từ khi gia nhập WTO. Các chính sách hỗ trợ xuất khẩu (hiện Việt Nam đang áp dụng) đều phù hợp với các hình thức cho phép áp dụng ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Các chính sách này chủ yếu tập trung vào các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại. Về thuế quan, Việt Nam đã cam kết "cắt giảm dần các loại thuế nhập khẩu" đối với các mặt hàng nông lâm thuỷ sản. Việc cắt giảm này đã cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2009-2012 tuỳ theo sản phẩm. Đối với thuỷ sản, Việt Nam đã cam kết điều chỉnh giảm 159 dòng thuế thuộc 9 nhóm hàng thuỷ sản để mức thuế bình quân toàn biểu thuế thuỷ sản giảm khoảng 12% - từ mức 32,2% (tại thời điểm gia nhập WTO) xuống còn 20,1%. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã thực hiện tốt các cam kết theo Hiệp định SPS về Vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, Chống bán phá giá, Chống trợ cấp và Các biện pháp tự vệ...
Thực trạng ngành cá Tra sau khi Việt Nam gia nhập WTO
Trong nhóm thuỷ sản nước ngọt, cá Tra vẫn tiếp tục dẫn đầu về giá trị xuất khẩu. Nhìn chung, tất cả cá Tra nuôi tại Việt Nam đều được quản lý theo các tiêu chuẩn quốc gia về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và thực hiện quản lý theo hệ thống HACCP. Trong đó, một nửa lượng cá Tra nuôi tại Việt Nam được kiểm soát và chứng nhận theo các tiêu chuẩn Quốc tế (như GlobalGAP, AquaGAP, BAP/GAA và ASC). Nhờ vậy, gần 100 mặt hàng được chế biến từ cá Tra của Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu của thế giới về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hiện Việt Nam có gần 70 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá Tra. Chỉ 5% sản lượng cá Tra được tiêu thụ nội địa, còn 95% được xuất khẩu đến hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, các khối thị trường dẫn đầu là EU, Mỹ, ASEAN, Canada, Trung Đông, Trung Quốc và Nhật Bản. Việt Nam chiếm 98% thị phần cá Tra thế giới. Theo báo cáo của Vasep, giá cá tiêu thụ nội địa xấp xỉ 1,5 USD/kg; trong khi giá xuất khẩu gần gấp đôi (2,5 USD/kg). Kim ngạch xuất khẩu năm 2012 là 1,74 tỷ USD. Cá Tra chiếm 35% tổng khối lượng xuất khẩu và 30% tổng giá trị xuất khẩu cá của Việt Nam. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là cá Tra phi lê đông lạnh chiếm 85% tổng khối lượng xuất khẩu, và cá cắt khúc đông lạnh chiếm 15%.
Hiện cá tra tại Việt Nam được nuôi trên diện tích 6.000 ha tại 10 tỉnh ĐBSCL với năng suất bình quân 200-300 tấn/ha. Theo dự báo của Vasep, đến năm 2020, diện tích nuôi có thể tăng lên 13.000 ha. Theo thống kê của FAO, sản lượng cá Tra chiếm 42% tổng sản lượng nuôi trồng thuỷ sản và 22% tổng sản lượng cá nuôi tại Việt Nam. Về xuất khẩu, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, đầu năm 2000 Việt Nam xuất khẩu chưa tới 2 nghìn tấn cá Tra, hơn 10 năm sau đã tăng lên gần 700 nghìn tấn. Năm 2012, xuất khẩu cá Tra đã đem lại cho Việt Nam trên 1,7 tỷ USD. Như vậy, việc gia nhập WTO đã tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho ngành hàng tiềm năng này.
Năng lực cạnh tranh Quốc tế
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, cá Tra có năng lực cạnh tranh rất cao với thị phần chiếm gần như toàn bộ thị trường thế giới (so với năng lực cạnh tranh của thuỷ sản nói chung chỉ đạt mức trung bình). 10 năm trở lại đây, sản xuất cá Tra của Việt Nam đã phát triển vượt bậc và thống trị thị trường Quốc tế - nhờ vào sự phát triển nhanh của sản xuất giống và kỹ thuật nuôi trồng; mở rộng thị trường xuất khẩu; phát triển hạ tầng nuôi và chế biến cá tra; các chính sách quản lý Nhà nước. Thời gian qua, Nhà nước đã không hỗ trợ trực tiếp cho việc sản xuất cá Tra mà hỗ trợ kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên kết giữa người nuôi và các doanh nghiệp chế biến. Nhà nước cũng đã khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn Quốc tế vào sản xuất cá Tra để đáp ứng các yêu cầu của nhà nhập khẩu. Nhờ đó, với mặt hàng cá Tra, Việt Nam có lợi thế so sánh cao, thể hiện qua việc Việt Nam có thể sản xuất cá Tra với chi phí thấp hơn các nước khác.
Nhìn chung, cá Tra là mặt hàng có năng lực cạnh tranh Quốc tế cao. Việc Việt Nam gia nhập WTO đã tạo ra cơ hội lớn cho ngành hàng cá Tra của Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ.