Chung tay vượt qua khó khăn
Chỉ khoảng 2 năm đầu giai đoạn 2011-2015 ngành công nghiệp tỉnh duy trì được đỉnh cao. Ngành chế biến cá tra xuất khẩu, chế biến thức ăn chăn nuôi tiếp tục phát triển. Các mặt hàng công nghiệp truyền thống thị trường tiêu thụ khả quan, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp năm 2011, 2012 tăng hơn 27% so với năm 2010.
Thời gian sau đó, khủng hoảng kinh tế diễn ra sâu rộng trên thế giới, cạnh tranh thị trường xuất khẩu ngày càng gay gắt. Sản phẩm công nghiệp chủ lực của Đồng Tháp chịu áp lực trước nhiều rào cản kỹ thuật, sự cạnh tranh gay gắt của nhiều nước... dẫn đến mức tăng trưởng công nghiệp của tỉnh chỉ dao động từ 8-10%/năm.
Trước sức ép ngày càng lớn của khủng hoảng kinh tế tác động lên DN, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành hữu quan có những động thái chia sẻ, đồng hành cùng DN. Sở Công Thương luôn theo sát cùng DN, đã tham mưu với UBND tỉnh đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, Sở Công Thương còn thực hiện chương trình sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng; đào tạo lao động, đổi mới công nghệ, thiết bị móc để nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của DN...” ông Nhị Văn Khải - Giám đốc Sở Công Thương chia sẻ.
Để vượt qua khó khăn, các DN tỉnh nhà luôn tìm hướng đi mới. DN hướng đến sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, định hướng phân khúc thị trường. Điển hình như Công ty CP Vĩnh Hoàn mạnh dạn đầu tư dây chuyền thiết bị công nghệ cao để sản xuất collagen từ da cá tra; Công ty CP Đầu tư Phát triển Đa quốc gia (IDI) đầu tư dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại để tinh luyện dầu cá tra thành loại thực phẩm cao cấp; Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May tiến tới xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao nâng giá trị và khả năng cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam trên thương trường trong nước và quốc tế, Công ty CPTP Bích Chi đã khai thác sâu các sản phẩm chế biến từ gạo...
Ông Phạm Văn Bên - Giám đốc DNTN Cỏ May chia sẻ: “Chúng ta tự hào là đất nước sản xuất gạo đứng đầu thế giới nhưng lại chưa có thương hiệu sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Thị trường chỉ biết đến gạo Việt Nam bằng tiêu chuẩn 5% tấm hay 10% tấm... Chính những trăn trở đó đã ấp ủ để Cỏ May cho ra đời sản phẩm Nosavina hướng tới chinh phục thị trường gạo quốc tế. Tính riêng thị trường Singapore, hàng tháng nhập khoảng 200.000 tấn gạo, giá bình quân khoảng 50.000 đồng/kg. Chỉ cần mỗi DN chiếm 2% thị phần của thị trường này đã là một con số ấn tượng”.
Trước sự “chung tay” vượt qua sóng gió, dù kết quả đạt được của ngành chưa phải là con số viên mãn nhưng đây là minh chứng nỗ lực của nhiều phía, đặc biệt là nỗ lực từ DN. Theo Sở Công Thương, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân (2011-2015) ước đạt 12,42%/năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng 19,20%/năm, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 11,53%/năm, nhập khẩu ước giảm 3,59%/năm, thu hút đầu tư 61 dự án công nghiệp và 25 dự án thương mại (chợ, siêu thị).
Khai thác lợi thế theo chiều sâu
Theo nhận định của Sở Công Thương, hiện nay tình hình kinh tế bước đầu có dấu hiệu hồi phục, việc tái cơ cấu ngành công nghiệp là một trong những hướng đi đáp ứng nhu cầu phát triển ngành công nghiệp tỉnh. Ông Nhị Văn Khải cho biết: Tái cơ cấu công nghiệp sẽ tập trung nâng cao chất lượng công nghiệp chế biến và đa dạng hóa các sản phẩm chủ lực; đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghiệp (khu, cụm công nghiệp); đào tạo lao động cho phát triển công nghiệp; định hướng chiến lược xuất khẩu hàng hóa chủ lực; củng cố và phát triển DN sản xuất kinh doanh...”. Thời gian qua, với tiềm năng của địa phương là cá tra, lúa gạo, nhiều DN đã đẩy mạnh đầu tư khai thác một cách tự phát... Việc tái cơ cấu công nghiệp sẽ sắp xếp lại “cuộc chơi” dành cho những người đáp ứng được sân chơi mới. Trên cơ sở đó, sản xuất sẽ mang tính tập trung, đáp ứng nhu cầu thị trường, sử dụng công nghệ tiên tiến cho ra sản phẩm giá trị.
Riêng hai mặt hàng chủ lực của tỉnh là gạo và cá tra được định hướng từng bước nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu, xem đây là nguồn nguyên liệu chính để khai thác sâu giá trị gia tăng. Cụ thể, Sở Công Thương hỗ trợ các DN xuất khẩu gạo xây dựng vùng nguyên liệu, đồng thời tháo gỡ khó khăn trong việc liên kết sản xuất và đẩy mạnh phát triển các sản phẩm sau gạo (chế biến các loại bột, tinh bột, bánh...) để nâng cao giá trị hạt gạo. Đối với lĩnh vực sản xuất chế biến cá tra xuất khẩu, ngoài việc tạo điều kiện cho các DN xúc tiến thương mại, tháo gỡ khó khăn liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm, thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm thì đơn vị khuyến khích, hỗ trợ DN phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng...
Theo Sở Công Thương ngoài tín hiệu tình hình kinh tế thế giới có sự ổn định trở lại thì các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là TPP sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho DN trong tỉnh về hợp tác nâng cao năng lực sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các lĩnh vực chế biến thủy sản, may mặc, da giày và chế biến lương thực... Sự đồng tâm hiệp lực từ nhiều phía sẽ chắp thêm niềm tin cho ngành công nghiệp tỉnh nhà phát triển trong giai đoạn mới.