Ít vi phạm
Ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, lý do khiến EU rút “thẻ vàng” đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là do chưa đáp ứng được các yêu cầu về việc kiểm soát đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không được quản lý. Các vi phạm chủ yếu đến từ việc tàu cá công suất lớn không ghi nhật ký khai thác, tàu cá công suất nhỏ không ghi nhật ký chuyến biển; đánh bắt sai vùng quy định; khai thác loài cấm; xâm phạm vùng biển nước ngoài. Thực tế, ngư dân Khánh Hòa chấp hành khá nghiêm các quy định của EU, số tàu cá vi phạm không nhiều. Tuy nhiên, đây cũng là lời cảnh tỉnh đối với ngành khai thác hải sản xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng, bởi trong xu thế hội nhập hiện nay, không riêng thị trường EU mà các thị trường khác như: Mỹ, Nhật… cũng đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe hơn về nguồn gốc hải sản.
Nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh chia sẻ, ngư dân Khánh Hòa chủ yếu khai thác ở các ngư trường: Hoàng Sa, Trường Sa, DK1. Tuy nhiên, đôi khi do mải đuổi theo đàn cá nên vô tình xâm phạm vùng biển nước ngoài; hoặc có trường hợp khai thác trên vùng biển của Việt Nam nhưng lại bị các tàu chấp pháp nước ngoài bắt đưa về vùng biển của họ để xử lý, rồi cho rằng ngư dân Việt Nam xâm phạm vùng biển nước họ.
Riêng đối với cảnh báo của EU liên quan đến việc ngư dân không khai báo thông tin khai thác, theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, toàn tỉnh hiện nay có khoảng 9.790 tàu thuyền. Trong đó có hơn 3.000 tàu có công suất từ 20 đến dưới 90CV, chủ yếu khai thác vùng lộng; khoảng 1.300 tàu thuyền có công suất lớn hơn 90CV, khai thác xa bờ. Qua theo dõi, 100% tàu khai thác xa bờ đã thực hiện tốt quy định ghi nhật ký khai thác thủy sản. Ngoài đảm bảo quy định của doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu thủy sản, các chủ tàu còn tuân thủ việc ghi nhật ký khai thác để được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Riêng đối với các tàu, thuyền hoạt động vùng lộng thực hiện chưa nhiều. Nguyên nhân là do nhận thức của một bộ phận ngư dân còn hạn chế, khai thác theo hình thức tự phát, quy mô nhỏ, nhiều tàu đánh bắt bằng phương pháp thủ công, trang thiết bị, công nghệ quản lý còn hạn chế nên việc ghi nhật ký khai thác thủy sản gặp khó khăn.
“Các tàu cá của gia đình tôi đều được lắp đặt thiết bị định vị qua vệ tinh, việc khai báo thông tin khai thác cũng được thực hiện triệt để. Ngoài khai báo về nghề đánh bắt chính, công suất máy chính, số thuyền viên, loại ngư cụ, chúng tôi còn ghi rõ: nơi xuất bến, nơi về bến; tọa độ nơi tàu hoạt động; địa điểm thả lưới, thu lưới, thời gian thả lưới, tổng số mẻ lưới trong chuyến biển… Đối với các sản phẩm đánh bắt được, ngoài ghi sản lượng của chuyến biển, chúng tôi còn phân rõ sản lượng từng loại cá”, ngư dân Nguyễn Văn Hải - chủ tàu cá ở Hòn Rớ (TP. Nha Trang) chia sẻ.
Nhiều biện pháp khắc phục
Ông Võ Khắc Én cho biết: “Mới đây, đoàn công tác của EU đã kiểm tra tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh, làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn. Qua 2 lần kiểm tra, đoàn xác định: Khánh Hòa cơ bản đảm bảo các quy định của EU về nguồn gốc hải sản xuất khẩu vào thị trường này”. Tuy nhiên, không phải vì thế mà tỉnh không quan tâm đến “thẻ vàng” của EU.
Theo thông tin từ Chi cục Thủy sản, hiện nay, 100% tàu đánh cá xa bờ của tỉnh đã được lắp đặt thiết bị định vị qua vệ tinh. Tàu đi đến đâu, cơ quan quản lý đều xác định được. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng còn thường xuyên tuyên truyền, vận động ngư dân cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài; Nhờ thế từ đầu năm đến nay chỉ có 1 trường hợp tàu cá của Khánh Hòa vi phạm vùng biển nước ngoài. Đối với việc khai báo thủy sản khai thác, trong thời gian tàu cá về bờ, cán bộ của Chi cục Thủy sản luôn có mặt tại các cảng cá để nắm bắt thông tin, kiểm tra chéo giữa các tàu cá với nhau để xác định vùng biển ngư dân đánh bắt, sản lượng, loài khai thác, có vi phạm vùng biển nước ngoài hay không… và xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác cho ngư dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, Chi cục Thủy sản đã xây dựng, nhận rộng các mô hình chuỗi liên kết trong khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hải sản. Hiện nay, đã có hơn 60 tàu cá xa bờ của Tổ hợp tác nghề cá Phước Đồng tham gia chuỗi liên kết với Công ty TNHH Thịnh Hưng trong khai thác, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương; hơn 30 tàu cá của Tổ hợp tác nghề cá Vĩnh Phước tham gia chuỗi liên kết với Công ty TNHH Tín Thịnh trong khai thác, chế biến, xuất khẩu cá ngừ sọc dưa. Trên cơ sở thành công của các chuỗi liên kết, Chi cục Thủy sản tỉnh đang tiếp tục vận động ngư dân tham gia các chuỗi này, đồng thời xây dựng thêm các chuỗi liên kết mới…
Theo lãnh đạo Công ty TNHH Tín Thịnh, nếu chúng ta không đảm bảo quy định của EU thì sẽ tự loại mình ra khỏi các thị trường lớn như: châu Âu, Mỹ, Nhật… Vì thế, việc hình thành chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và ngư dân trong khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ hải sản là vấn đề tất yếu cần được quan tâm để nâng cao chất lượng sản phẩm, giải quyết được bài toán truy xuất nguồn gốc sản phẩm hải sản xuất khẩu.