Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Văn Trúc: Liên kết giữa nuôi trồng với chế biến, tiêu thụ còn hạn chế
Thời gian qua, ngành Thủy sản Phú Yên không ngừng phát triển và có những đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh nhà. Phú Yên đã phát triển mạnh lực lượng tàu cá có công suất lớn, vươn khơi đánh bắt xa bờ, góp phần chuyển dịch cơ cấu nghề nghiệp, giảm áp lực khai thác hải sản ven bờ; đồng thời phát triển khá mạnh nghề nuôi trồng thủy sản theo nhu cầu thị trường.
Tuy nhiên, hiện nay hiệu quả hoạt động khai thác thủy sản của tỉnh còn thấp do dịch vụ hậu cần nghề cá chưa đáp ứng kịp yêu cầu. Đối với nuôi trồng thủy sản, phát triển chưa bền vững do việc liên kết giữa nuôi trồng với thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ còn nhiều hạn chế. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn lúng túng trong xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, nhất là thị trường nguyên liệu cho chế biến thủy sản vẫn chưa được thiết lập vững chắc. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển ngành Thủy sản chưa được quan tâm đúng mức, nhất là thông tin dự báo ngư trường chưa nhạy bén, kịp thời… Đây là những vấn đề đặt ra để sớm giải quyết, tạo điều kiện cho ngành Thủy sản phát triển bền vững.
Phó cục trưởng cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối Đoàn Xuân Hòa: Tăng trưởng công nghiệp chế biến thủy sản chưa vững chắc
Việc thiếu quy hoạch hoặc có quy hoạch nhưng quản lý quy hoạch hệ thống chế biến thủy sản ở các tỉnh, thành trong khu vực miền Trung chưa sát thực tiễn, chưa đáp ứng nhu cầu chung của ngành, đặc biệt là vấn đề lao động có tay nghề và việc bảo vệ môi trường sinh thái chưa được đầu tư đúng mức. Hiện nay, việc đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến thủy sản ở khu vực này mất cân đối với nguồn nguyên liệu, làm
giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh dẫn đến phát triển chưa ổn định. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp chế biến thủy sản tuy liên tục tăng nhưng chưa vững chắc. Hoạt động sản xuất, kinh doanh càng hội nhập kinh tế thế giới càng bộc lộ rõ mâu thuẫn giữa thực trạng của nền sản xuất nhỏ, phân tán với yêu cầu cao của nền sản xuất hàng hóa lớn đối với sản phẩm làm ra, trong đó có vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện nay chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng, hiệu quả sản xuất không cao, còn nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ. Nhiều cơ sở chế biến nước mắm, mắm tôm, thủy sản khô… quy mô hộ gia đình với điều kiện sản xuất thiếu vệ sinh, chưa đảm bảo an toàn thực phẩm.
Thứ trưởng bộ Nông Nghiệp & PTNT Vũ Văn Tám: Có chương trình tín dụng ưu đãi giúp ngư dân đóng tàu lớn
Cần có chính sách hỗ trợ vốn cho ngư dân thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi để ngư dân đầu tư đóng tàu lớn, mua thêm thiết bị, ngư cụ phục vụ đánh bắt xa bờ. Trong đó, Chính phủ cần có những gói tín dụng lãi suất thấp, thời hạn vay dài, cho phép ngư dân được thế chấp chính tài sản hình thành trong tương lai đó là tàu cá đóng mới để vay vốn. Hiện các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá ở các tỉnh, thành vùng duyên hải miền Trung đã quá tải, lạc hậu nên cần ưu tiên xây dựng một số trung tâm hậu cần nghề cá ngay tại miền Trung để có thể kết nối từ khâu đánh bắt, chế biến đến thương mại để kiểm soát chất lượng sản phẩm theo chuỗi. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương liên quan cần có giải pháp nâng cao giá trị chế biến thủy sản để ngành công nghiệp này thực sự đem lại lợi nhuận cao cho ngư dân và cả nền kinh tế. Ngoài ra, các địa phương phải quan tâm đào tạo đội ngũ lao động đánh bắt xa bờ, vừa có nghiệp vụ, vừa có tư duy bảo vệ môi trường để hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản đảm bảo bền vững.
Phó chủ tịch ủy ban giám sát tài chính quốc gia Hà Huy Tuấn: Chú trọng khai thác tính cạnh tranh của sản phẩm thủy đặc sản
Hoạt động khai thác, chế biến thủy sản của các tỉnh, thành vùng duyên hải miền Trung hiện có tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, để tránh câu chuyện “được mùa, rớt giá”, các địa phương này cần tập trung nghiên cứu nhu cầu của thị trường cả trong nước và thế giới để vừa cung ứng kịp thời vừa tránh dư thừa nhằm bảo đảm giá trị sản phẩm. Về vấn đề xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp cần chú ý khai thác tính cạnh tranh của sản phẩm, nhất là những thủy đặc sản trong khu vực. Việc xúc tiến thương mại cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, trách nhiệm chính vẫn thuộc về doanh nghiệp. Về mặt đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ ngành Thủy sản, do ngân sách có hạn nên các tỉnh, thành cần đầu tư có trọng điểm, đảm bảo phát huy hiệu quả cả về kinh tế lẫn quốc phòng - an ninh.
Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh Trần Du Lịch: Ưu tiên xây dựng trước một trung tâm hậu cần nghề cá
Nguồn tín dụng cấp cho ngư dân chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với việc họ tự vay mượn để đóng mới các phương tiện tàu thuyền.
Nhà nước cần tăng cường cấp nguồn tín dụng cho ngư dân mớitạo được một đội đánh bắt có quy mô lớn. Bên cạnh đó, cần đầu tư hướng dẫn kỹ thuật cho ngư dân. Trước thực trạng quá tải, cũng như sự lạc hậu của các cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá, Bộ NN-PTNT cần phối hợp với các địa phương trình Chính phủ ưu tiên xây dựng trước một trung tâm hậu cần nghề cá ngay tại vùng duyên hải miền Trung.
Viện trưởng viện kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên: Đưa các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào đầu tư cả du lịch và thủy sản
Miền Trung có tiềm năng thủy sản lớn, ngư dân cần cù lại được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhưng hiện họ vẫn chưa thể giàu lên. Vì vậy, giải pháp đặt ra là phải phát triển ngành Du lịch gắn với nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường, nhằm hướng cho du khách, doanh nghiệp trong và ngoài nước một cái nhìn rõ nét, cụ thể về tiềm năng thủy sản ở miền Trung. Có chiến lược lâu dài, tạo điều kiện cho ngư dân đánh bắt vươn xa hơn như các nước Hàn Quốc, Nhật Bản… chứ không chỉ ở vùng biển Trường Sa và Hoàng Sa. Thay đổi cách nuôi trồng thủy sản trên cơ sở phải tính đến đối tượng nuôi là đặc sản của miền Trung, để tạo đột phá phát triển. Ngoài chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, cần đưa các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào đầu tư cả trong lĩnh vực du lịch và thủy sản.
Thủy sản đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế và có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hàng thủy sản Việt Nam đã có mặt trên 165 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu đạt 6,7 triệu USD, chiếm 24,8% kim ngạch xuất khẩu ngành nông - lâm - thủy sản và chiếm hơn 5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Bên cạnh đó, ngành Thủy sản đã giải quyết việc làm, sinh kế cho hơn 4 triệu lao động; đồng thời góp phần quan trọng trong bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. (Nguồn: Bộ NN-PTNT)