Tổng cục Thủy sản cho biết, dù gặp vô vàn khó khăn nhưng năm 2020, ngành thủy sản vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 1.300 nghìn ha. Trong đó: diện tích nuôi tôm nước lợ trên 740 nghìn ha, nuôi cá truyền thống 450 nghìn ha, nuôi cá tra 5,7 nghìn ha, còn lại là nuôi các đối tượng khác và khoảng 10.000.000m3 lồng (7.500.000m3 lồng nuôi mặn lợ; 2.500.000m3 nuôi ngọt).
Tổng sản lượng nuôi trồng đạt 4,56 triệu tấn, tăng 1,5% so với năm 2019. Trong đó: sản lượng cá tra đạt 1,56 triệu tấn, tương đương so với cùng kỳ năm 2019, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD (chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thủy sản). Sản lượng tôm nước lợ đạt 950 nghìn tấn tôm sú đạt 267,7 nghìn tấn, tăng 1%; tôm thẻ chân trắng 632,3 nghìn tấn, tăng 8,5%); kim ngạch xuất khẩu đạt 3,7 tỷ USD (chiếm 44% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành).
Diện tích nuôi biển đạt 260 nghìn ha và 7,5 triệu m3 lồng; sản lượng đạt 600 nghìn tấn. Trong đó cá biển 8,7 nghìn ha và 3,8 triệu m3 lồng, sản lượng 38 nghìn tấn; nhuyễn thể 54,5 nghìn ha, sản lượng 375 nghìn tấn; tôm hùm 3,7 triệu m3 lồng, sản lượng 2,1 nghìn tấn; rong biển 10.150 ha, sản lượng 120 nghìn tấn; còn lại là cua biển và các đối tượng nuôi khác.
Trong thời gian tới, Tổng cục Thủy sản cho biết, ngành thủy sản sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết trong sản xuất để tiếp cận với nguồn cung ứng vật tư đầu vào có chất lượng tốt, giá cả phù hợp, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học, tăng năng suất, giảm chi phí, giảm hệ số chuyển đổi thức ăn, bảo vệ môi trường trong nuôi trồng.
Tổng cục Thủy sản sẽ phối hợp địa phương quản lý chặt chẽ chất lượng giống, vật tư thủy sản. Ông Trần Đình Luân đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật là đơn vị được giao kiểm tra chất lượng và kiểm dịch nguyên liệu nhập khẩu, thống kê đầy đủ về giá thành nguyên liệu, thị trường nhập khẩu chính và tham mưu Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành liên quan phương án, giải pháp đàm phán với các nước cung cấp nguyên liệu chính cho ngành sản xuất thức ăn thuỷ sản, thức ăn chăn nuôi để có nguồn nguyên liệu ổn định, phù hợp; đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn để ổn định sản xuất.
Đồng thời, các địa phương cần quan tâm phát triển các mô hình liên kết chuỗi để giảm trung gian, giảm giá thành sản xuất; đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát điều kiện cơ sở sản xuất, lưu thông giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, trục lợi, ép giá, tung tin thất thiệt.