Nếu không có những chính sách giúp giảm giá thành nuôi trong thời gian 5 năm tới, ngành tôm trong nước sẽ có nguy cơ bị thất thế trong cạnh tranh.
"Ecuador có diện tích nuôi đạt chuẩn ASC cao vì phần lớn trại nuôi quy mô lớn, dễ thực hiện và xét chứng nhận ASC. Ngược lại, đa số ao nuôi tôm của Việt Nam manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Việt Nam phải hết sức quan tâm và kịp thời cải thiện mình." - TS. Hồ Quốc Lực.
Áp lực từ Ecuador, Ấn Độ
Nếu như cách đây 10 năm, ít nhà sản xuất và xuất khẩu tôm nào của Việt Nam nhắc đến Ecuador như là một đối thủ tiềm năng thì nay Ecuador đã là nước sản xuất tôm lớn nhất thế giới và còn là đối thủ lớn nhất của ngành tôm Việt Nam trong những năm sắp tới.
Ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết từ 3-4 năm trở lại đây, Ecuador chiếm lĩnh thị trường tôm nguyên con toàn cầu, lấy đi nhiều thị phần của Việt Nam.
Đặc biệt, tại thị trường Trung Quốc, tôm của Ecuador cũng chiếm tới 60% tổng lượng nhập khẩu của thị trường tỉ dân này.
Theo các doanh nghiệp ngành tôm, hiện Việt Nam chỉ còn lợi thế ở trình độ chế biến và sách lược tiếp cận thị trường, hiện nay trình độ chế biến tôm của Việt Nam cao nhất trong số các nước xuất khẩu.
Trên thế giới hiện có sáu nước nuôi tôm sản lượng cao gồm Ecuador, Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan. Sự trỗi dậy của hai quốc gia Ecuador, Ấn Độ sẽ tác động to lớn đến ngành tôm nước ta.
Vì sao Ecuador có bước phát triển thần kỳ?
TS Hồ Quốc Lực - chủ tịch HĐQT Công ty FIMEX VN - cho biết cách đây 4 năm, sản lượng tôm của Ecuador còn thấp hơn nhiều so với tôm Việt, nay họ đã chiếm lĩnh vị trí hàng đầu thế giới.
Nguyên nhân là từ 3-4 năm gần đây, Ecuador làm "cách mạng" cho ngành tôm của họ. Trước tiên là việc nghiên cứu thành công con giống chất lượng cao. Để giải quyết tình trạng thiếu lao động chế biến, họ có chính sách thu nhận lao động từ các nước láng giềng.
Vì vậy, họ cũng đang chuyển biến mạnh từ chế biến tôm nguyên con, tôm bỏ đầu cấp đông sang các sản phẩm giá trị gia tăng hơn.
Do đó, Ecuador cũng không lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc mà tiến vào các thị trường cao cấp vốn đòi hỏi trình độ chế biến cao hơn như Mỹ. Với lợi thế vị trí địa lý, chi phí vận chuyển rẻ nên tôm Ecuador nhanh chóng vào thị trường Hoa Kỳ các năm gần đây và hiện đã đạt thị phần khoảng 20%. Xu hướng này sẽ còn tiếp diễn như một thông tin đáng lo ngại cho con tôm Việt Nam.
Chỉ còn 5 năm đối phó?
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, ngành tôm kỳ vọng đến năm 2025 sẽ mang về 6 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu cho đất nước, nhưng để phát triển bền vững thì còn rất nhiều việc phải làm.
Theo các chuyên gia, một nhiệm vụ quan trọng là phải nghiên cứu được các giống tôm chất lượng cao bởi hiện nay tỉ lệ thành công nuôi tôm của Việt Nam thấp, chỉ đạt 40%, trong khi Thái Lan 55%, Ấn Độ 47 - 48%...
Ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết tôm thẻ chân trắng có diện tích nuôi chỉ bằng 25% diện tích tôm sú nhưng kim ngạch xuất khẩu của tôm thẻ chân trắng cao gấp 5,5 lần so với tôm sú.
Việc phân bổ diện tích nuôi tôm sú bao nhiêu, tôm thẻ chân trắng bao nhiêu thì cần phải tính toán trong quy hoạch để có cơ sở đảm bảo đáp ứng yêu cầu của thị trường hiện nay.
Ngoài ra, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng cho rằng ao nuôi nhỏ lẻ thì không thể có giá thành thấp, chỉ có nuôi mức độ trang trại mới áp dụng thành công và có cơ hội tăng năng suất, giảm thiểu rủi ro, giảm giá thành… Như vậy, cần có chính sách tích tụ đất đai và chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nuôi tôm.