Xuất khẩu tôm tăng mạnh
Báo cáo của VASEP cho thấy trong quý 1/2017, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Nhật tăng 29.6% đạt 135.4 triệu USD.
Mức tăng trưởng mạnh đã đưa thị trường Nhật Bản trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. Nguyên nhân do đồng Yên tăng đã khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu tôm.
Một nguyên nhân khác khiến xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng là do người tiêu dùng Nhật Bản hiện chuyển sang lựa chọn các sản phẩm thủy hải sản giá rẻ, khiến nhu cầu tôm tăng lên so với các loại hải sản khác như cá ngừ, cá hồi và mực ống.
Thống kê cũng chỉ ra rằng phân khúc thị trường cao cấp, nhu cầu cho tôm sú và tôm nguyên đầu cũng tăng.
VASEP cho biết, đầu năm nay giá tôm xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang Nhật là 12 USD/kg, trong khi giá của Indonesia là 11 USD và Thái Lan là 10 USD.
Xuất khẩu tôm năm 2017 dự báo sẽ đạt 3.4 tỷ USD, tăng 9%. Trong đó, tôm chân trắng đạt khoảng 2 tỷ USD, tăng 8%, tôm sú trên 900 triệu USD, tăng 2%.
Mặc dù giá cao hơn các nước đối thủ nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng cao hơn hẳn so với cả 2 nước còn lại, Thái lan tăng trưởng 13.9%, Indonesia chỉ tăng 2.4%.
Mặt khác, VASEP cũng cho biết trong 3 tháng đầu năm Việt Nam xuất khẩu tôm tới 68 thị trường, 10 thị trường lớn nhất gồm: Nhật, EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, ASEAN, Đài Loan, Thụy Điển. Các thị trường này chiếm tới 95.4% kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Có sự thay đổi về vị trí đứng đầu trong các nước nhập khẩu, Nhật Bản thay thế Hoa Kỳ trở thành nước nhập khẩu lớn nhất, trong khi EU thay thế vị trí cũ của Nhật trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 2, Hoa Kỳ tụt xuống vị trí thứ 3.
Khó khăn về con giống
Mặc dù ngành sản xuất tôm Việt Nam có tiềm năng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam nhưng lĩnh vực này đối mặt với thách thức về sản xuất quy mô nhỏ và hạn chế về giống tôm.
Việt Nam có khoảng 1,800 cơ sở nuôi tôm trên cả nước nhưng rất ít trong số đó đáp ứng được tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn sinh học. Hơn 90% các giống tôm nuôi chân trắng Việt Nam phải nhập khẩu, trong khi giống tôm lớn (prawns) phụ thuộc vào đánh bắt tự nhiên.
Đặc biệt, thời tiết thất thường, dịch bệnh, yếu kém về con giống… đang là những thách thức lớn của ngành tôm trước mục tiêu đạt 10 tỷ USD vào năm 2025.
Khảo sát của Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) cho biết, vùng ĐBSCL hiện có chưa đến 14% số doanh nghiệp, hợp tác xã tự chủ được con giống, còn lại trên 80% là phải mua bên ngoài. Trong khi đó, việc liên kết sản xuất còn yếu và thiếu.
Theo ông Trần Công Bình (Công ty TNHH Tôm giống Châu Phi), hiện nay tôm sú của chúng ta đa số là tôm hoang dã nên rất khó kiểm soát dịch bệnh, mặt khác diện tích nuôi quảng canh lớn (gần 600.000ha) cũng gây khó khăn cho công tác này.
Còn TS Trương Quốc Phú (Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ) cho rằng cần có chương trình nghiên cứu giống tôm gia hóa, giống tôm sạch bệnh, liên kết trong chuỗi giá trị, tình trạng nuôi nhỏ lẻ tất yếu sẽ không tồn tại lâu dài, nếu thực hiện nghiêm các quy định thì các khâu trong liên kết tự động sẽ được kết nối.