Khó khăn lớn nhất của người nuôi tôm hiện nay là thiếu vốn, bởi nhiều tỷ đồng đã bị cuốn trôi theo dòng nước lũ…
Lũ dữ đã đi qua được gần nửa tháng, cuộc sống của người dân Thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu đang dần ổn định trở lại. Trên những đầm tôm, không khí vẫn ảm đạm. Nhiều người dân bắt đầu xử lý môi trường, cải tạo ao đầm để khôi phục sản xuất.
Đang bơm nước trong đầm ra, anh Nguyễn Hữu Thành (khối 6, phường Quỳnh Xuân, Thị xã Hoàng Mai) ngậm ngùi: Đợt lũ vừa qua đã làm 6.500m2 nuôi tôm của gia đình mất trắng, thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Xót lắm, vì vụ nuôi thứ 1 không có lãi, đến vụ này tiếp tục không có thu hoạch nên nợ nần càng chồng chất. Chẳng còn cách nào khác, tôi quyết tâm nuôi vụ 3, mong vớt vát được phần nào để có tiền trả nợ.
Do bị ngập trong nước lũ nên ao đầm của người dân đang đọng lại lớp bùn dày đặc, nước trong đầm bị ngọt hóa. Anh Thành phải dùng máy bơm hết nước ra ngoài. Dự kiến, phải mất khoảng nửa tháng việc cải tạo ao đầm của gia đình mới hoàn tất. Ban đầu là bơm hết nước, sau đó tiến hành xúc hết lớp đất trong đầm ra và rửa đầm.
Tiếp đó, đầm sẽ được phơi nắng khoảng 1 tuần, rồi rải vôi bột để xử lý môi trường. Khi nguồn nước mặn phù hợp, anh sẽ lấy nước vào và đánh thuốc Cloramin để tận diệt vi khuẩn và mua tôm giống về thả.
Dự kiến, chi phí cải tạo ao đầm của gia đình anh Thành mất khoảng 20 triệu đồng. Anh Thành chia sẻ: Khó khăn lớn nhất của nuôi tôm vụ này là vào thời điểm mùa lạnh nên tôm chậm lớn, đến cuối vụ chỉ đạt khoảng 150 - 200 con/kg. Nước biển trong thời điểm này thường bị ngọt nên phải tính toán khi nước thủy triều lên mới lấy vào đầm nuôi, nếu độ mặn không phù hợp thì tôm rất khó phát triển.
Gia đình anh Nguyễn Văn Liên (khối 6, phường Quỳnh Xuân, Thị xã Hoàng Mai) có 1 đầm tôm rộng 4.500m2, nước lũ về đã nhấn chìm hết, thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Dù đang nợ ngân hàng, nợ tiền thức ăn của các đại lý nhưng gia đình vẫn quyết định vay mượn anh em, bạn bè để thả tôm vụ 3. “Nuôi vụ này tốn ít chi phí hơn các vụ trước vì thời tiết lạnh nên tôm ít ăn, quạt điện ít, nhưng tôm chậm lớn. Trong thời điểm này, giá tôm đang tăng cao nên gia đình tôi quyết định nuôi nhằm vớt vát chút vốn đã bị thiệt hại trong cơn lũ vừa qua”, anh Thành bộc bạch.
Tại xã Quỳnh Bảng, ông Hoàng Xuân Kính ở xóm Mai Giang cũng đang khẩn trương cải tạo ao đầm để thả nuôi vụ mới. Là một trong những người nuôi tôm có kinh nghiệm lâu năm, ông Kính cho rằng người nuôi tôm nên xử lý ao đầm càng sớm càng tốt. Vì thế, ngay sau khi nước lũ rút, ông đã thuê lao động khẩn trương dọn dẹp ao đầm, xử lý nguồn nước.
“Vừa qua nhà tôi có 2ha nuôi tôm đều bị mất trắng hết, thiệt hại hơn 700 triệu đồng. Hơn 1 tuần nay, tôi đã thuê nhân công về bơm nước, rửa dọn đầm và tranh thủ thời tiết nắng ráo để phơi đáy. Tôi đã liên hệ với công ty giống và sẽ mua khoảng 80 vạn con giống, nếu thời tiết thuận lợi, khoảng 1 tuần nữa sẽ thả nuôi vụ mới. Vụ này các thương lái Trung Quốc đang ráo riết tìm hàng nên gia đình tôi vẫn mạnh dạn nuôi. Hy vọng vụ này thắng lợi để bù đắp cho vụ trước.
Tuy nhiên, không nhiều người nuôi tôm có điều kiện và sự mạnh dạn, táo bạo như ông Kính, anh Liên, anh Thành... Bởi nước lũ về đã cuốn đi nhiều tỷ đồng của những người nuôi tôm. Ông Đậu Huy Hạ (khối 10, phường Mai Hùng, Thị xã Hoàng Mai) cho biết: Gia đình tôi có hơn 5000m2 ao tôm đã nuôi được 70 ngày với trọng lượng 50 con/kg nhưng chưa kịp bán thì nước lũ cuốn ra biển sạch trơn, thiệt hại khoảng 1,2 tỷ đồng. Hiện, nhà tôi còn nợ mấy trăm triệu đồng tiền thức ăn của tôm, giờ không biết lấy đâu để trả. Sau lũ, tôi chỉ dọn dẹp ao đầm, tu sửa máy móc. Dù biết, nuôi tiếp vụ 3 khả năng thu lời rất lớn nhưng… lực bất tòng tâm.
Ông Nguyễn Văn Trinh, khối 6, phường Quỳnh Xuân cũng ngậm ngùi: Bây giờ muốn tiếp tục nuôi tôm nhưng lấy vốn đâu mà đầu tư? Vụ nuôi thứ nhất, bán hết tôm trong đầm, gia đình cũng chỉ lãi được hơn 100 triệu đồng, tất cả đã đầu tư vào nuôi vụ 2 và đã mất trắng. Giờ đây nếu vay được vốn thì gia đình cũng quyết tâm nuôi tiếp, còn không có vốn đành gác đầm chờ đến vụ tôm năm sau ”, ông Trinh thổ lộ.
Để hỗ trợ người nuôi tôm, chính quyền Thị xã Hoàng Mai đang tiến hành cấp 56,4 tấn thuốc Cloramin để xử lý ao đầm. Đồng thời, thị xã đang tổng hợp thiệt hại để trình UBND tỉnh hỗ trợ theo Quyết định số 35 ngày 8/7/2013 về hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Theo đó, hỗ trợ 30 triệu đồng/ha đối với thiệt hại trên 70% diện tích, 20 triệu đồng đối với thiệt hại từ 30-70% diện tích. Tuy nhiên, điều khiến người dân băn khoăn là mức hỗ trợ trên chưa phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn do giá trị trên mỗi đầm tôm khác nhau.
Ông Nguyễn Văn Trinh cho biết: Có những đầm, tôm đạt mức 50-60 con/kg giá khoảng 200 ngàn đồng/kg, nhưng có những đầm tôm mới thả được 30 ngày, giá chưa đến 100 ngàn đồng/kg. Nếu cào bằng hỗ trợ theo diện tích bị thiệt hại thì không công bằng. Hầu hết, những hộ nuôi tôm đều đang vay vốn ngân hàng nên chúng tôi rất mong được các ngân hàng cho khoanh nợ, giãn nợ.
Ông Nguyễn Xuân Dinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho biết: Sau đợt lũ vừa qua, hơn 240 ha nuôi tôm của huyện Quỳnh Lưu bị ngập và mất trắng, chủ yếu tập trung tại xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Thanh, Quỳnh Lương. Để khôi phục sản xuất, huyện đã chỉ đạo người dân cần nhanh chóng dọn dẹp, vệ sinh môi trường trong và ngoài đầm tôm.
Đối với những diện tích tôm bị thiệt hại, huyện cũng chỉ đạo bà con tập trung vệ sinh ao đầm, rắc vôi, phun thuốc khử trùng để tiến hành thả nuôi trở lại. Tuy nhiên, nuôi tôm vụ thu đông đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi, tính rủi ro cao do biến động phức tạp của thời tiết, mưa lũ bất thường.
Từ nay đến cuối năm, biên độ, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm rất lớn, không thích hợp với điều kiện phát triển của tôm, nhưng lại thích hợp cho mầm bệnh phát triển, đặc biệt là bệnh đốm trắng. Vì thế, huyện khuyến cáo chỉ những hộ có điều kiện mới thả tôm và cần thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật đã được hướng dẫn để đạt kết quả khả quan.