Men ra dòng Nậm Nơn, chúng tôi thấy san sát những lồng bè cá. Theo bà con địa phương, nghề này có từ sau giải phóng. Ban đầu một số người dân nuôi thử nghiệm để cải thiện thức ăn cho gia đình, nhưng từ khi thấy được hiệu quả, người dân đã phát triển nuôi cá lồng trở thành nghề “cha truyền con nối”.
Ông Trần Văn Thỏa ở bản Cửa Rào II - xã Xá Lượng chia sẻ: “Tôi theo nghề nuôi cá lồng bè trên sông Nậm Nơn được hơn 10 năm rồi. Nhờ từ nghề này mà có thêm tiền để trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học. Nghề này đòi hỏi tính kiên trì, chịu khó như nuôi “con mọn”. Ngày nào vợ chồng tôi cũng phải đi cắt cỏ, chặt chuối làm thức ăn cho cá. Vào mùa mưa, nước chảy xiết, mặc dù đã “neo” lồng cẩn thận nhưng hàng đêm vẫn phải ra canh chừng vì sợ nước cuốn trôi mất”.
Hiện, ông Thỏa nuôi 1 lồng bè với số lượng trên 170 con cá trắm, hơn 50 con cá bọp, loại cá “nhỡ” đang trong giai đoạn phát triển rất phàm ăn, hàng ngày “ngốn” trên 100 kg thức ăn chủ yếu là cỏ sữa và thân cây chuối. Theo ông Thỏa, thức ăn cho cá sử dụng “cây nhà lá vườn” như cỏ sữa, thân cây chuối đỡ tốn kém, cá lại nhanh lớn. Trong khi sử dụng thức ăn tổng hợp cho cá vừa đắt mà chất lượng cá lại thấp. Được huyện hỗ trợ giống cỏ sữa, ông Thỏa đã trồng tại vườn nhà trên 300m2 , chủ động được nguồn thức ăn cho cá. Ông Thỏa kể thêm: Nuôi cá lồng bè hàng ngày đều có thu hoạch xen tỉa, giá cá trắm khoảng 150.000 đồng/kg, có ngày bán tỉa 5 kg cá đã thu về 750.000 đồng. Mỗi lồng cá hàng năm cho thu hoạch trên 4 tạ cá, trừ chi phí còn lãi trên 30 triệu đồng/năm. Sở dĩ giá cá trắm ở thị trường Tương Dương đắt, là do cá nuôi lồng bè tận dụng môi trường tự nhiên nên chất lượng thịt cá thơm ngon, được khách hàng ưa chuộng.
Hộ gia đình ông Đậu Văn Phúc ở bản Cửa Rào I nuôi 2 lồng cá. Ông Phúc phấn khởi kể chuyện nghề: Điều kiện nuôi cá lồng bè ở đây khá lý tưởng, khúc sông thẳng, nước không chảy xiết. Để nuôi cá lồng bè phải đóng lồng cá bằng khung gỗ cây phèn lấy ở rừng sâu, loại cây này chịu nước rất tốt, có tuổi thọ nuôi cá lồng được trên 20 năm. Chi phí đóng lồng cá từ 18 - 20 triệu đồng/lồng, bởi gỗ phèn thuộc loại hiếm. Lồng cá có chiều dài 6 mét, rộng 2,5 mét, cao 1,4 mét, thả khoảng trên 250 con cá giống là vừa. Lồng được thả xuống sông ở độ sâu hơn 1 mét. Giống cá chủ yếu cá trắm, cá mọp được mua ở các trại cá giống Đô Lương, Diễn Châu. Thường thả loại giống 4 con/kg, loại cá “nhỡ này” mau thích nghi với môi trường.
Ông Phúc cho biết thêm: Gia đình tôi có 2 lồng cá trên sông, mỗi lồng nuôi trên 200 con cá trắm. Đầu ra cho thị trường cá rất thuận lợi, chủ yếu được khách đến “đặt hàng” bán cho các nhà hàng và chợ Thị trấn Hòa Bình. Mỗi năm doanh thu trên 70 triệu đồng từ 2 lồng cá. Để chủ động nguồn thức ăn, tôi trồng trên 1 ha cỏ sữa, chuối, sắn nên vào mùa mưa, mùa rét không lo thiếu thức ăn cho cá. Cá trắm rất dễ nuôi, nhiều loại thức ăn quanh vùng có thể tận dụng để nuôi cá như lá sắn, lá ngô, bắp ngô, cỏ voi, cỏ sữa, thân cây chuối …
Một vị lãnh đạo xã Xá Lượng cho hay: Đến thời điểm này, toàn xã Xá Lượng có gần 20 lồng bè cá ven dòng Nậm Nơn. Từ năm 2005 đến nay huyện có chính sách hỗ trợ cho mỗi lồng cá đóng mới 5 triệu đồng. Cấp giống cỏ sữa cho bà con trồng để làm thức ăn nuôi cá. Trong năm 2013 huyện trợ cước, trợ giá trên 50 kg cá giống cho các hộ nghèo. Nghề nuôi cá lồng bè trên sông đã cho các hộ dân có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, khó khăn nhất của người nuôi cá lồng bè là kỹ thuật chăm sóc. Có những vụ trúng lớn nhưng cũng có những lồng cá bị mất trắng do cá bị dịch bệnh. Ngoài việc chọn giống cá đảm bảo chất lượng, trong quá trình cho cá ăn không nên cho quá nhiều thức ăn để dư thừa. Thường xuyên vệ sinh lồng bè để tránh tình trạng ô nhiễm gây bệnh cho cá. Nhiều bà con ở Xá Lượng đã sử dụng các “bài thuốc” dân gian chữa dịch bệnh cho cá khá hiệu quả. Cụ thể như buộc bó lá bớp bớp ở 2 đầu lồng cá chữa được bệnh xuất huyết đường ruột cho cá…
Được biết, Thủy điện Khe Bố đang tích nước, lượng nước ở lòng hồ ổn định, xã sẽ khai thác tiềm năng mặt nước, vận động bà con nuôi trên 70 lồng cá bè để tăng thêm thu nhập cho người dân. Tuy nhiên xã đang rất cần Nhà nước quan tâm tạo điều kiện để người dân được vay vốn ưu đãi đóng mới lồng bè, mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân nghèo vùng cao còn nhiều khó khăn./.