Năm 2020, nhóm ngành Nông nghiệp, trong đó có các lĩnh vực của nghề cá, sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo, đây là dự báo của bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông Nghiệp Việt Nam. Cho thấy, bức tranh toàn cảnh của nghề cá trong những năm tới với nội lực phát triển mạnh nhưng nhân lực đảm trách lại khan hiếm.
Đầu vào ế ẩm, đầu ra khan hiếm
Trong top những nhóm ngành mà người trẻ chọn để học tập bậc Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp luôn hiếm thấy những ngành Nông Lâm Ngư. Trong khi Việt Nam không thiếu các trường có chuyên môn đào tạo, cơ sở vật chất phục vụ học tập rất tốt, vùng ngư trường, nhà máy dành cho thực tập lại rất nhiều, nhưng vẫn đang “ế” sinh viên theo học. Trực tiếp dẫn đến thiếu học nguồn lực có đào tạo đảm trách cho nghề cá.
Điều này có thể dễ hiểu là do những định kiến của xã hội dành cho nhóm ngành nông nghiệp, mà nhất là thủy sản. Những quan niệm về nghề cá cực nhọc, một trong những nghề rất “lúa nước”, không thể làm giàu, hay đại loại là nghe “rất kém sang”. Người trẻ cũng sẽ thích nói rằng “em là sinh viên ngành Ngân hàng”, “ngành Quản trị” hoặc một ngành nào đó hơn là “em là sinh viên ngành Thủy Sản!”.
Mặt khác, người trẻ vẫn chưa nhận thức đúng về vai trò đặc biệt quan trọng của nghề cá nói riêng và nhóm các ngành Nông Lâm Ngư nói chung, đối với nền kinh tế, an ninh lương thực nước nhà. Và thật khó để yêu thích một thứ gì khi ta chưa hiểu về nó. Sự thiếu hụt nhân lực nghề cá cũng vậy! Đương nhiên, xã hội không ít những bạn trẻ có niềm đam mê đặc biệt với nghề cá nước nhà, và theo học các ngành có liên quan. Không ít các gương thành công với nghề, nhưng số lượng này vẫn còn rất nhỏ so với nguồn cung mà các trường dành cho thị trường lao động. Thực trạng “ế đầu vào, khát đầu ra” đang có xu hướng báo động.
Sau tốt nghiệp, kỹ sư thủy sản đã “bay” đi đâu?
Câu hỏi khó nhưng lại dễ trả lời. Và đáp án đó là: làm trái ngành. Các bạn trẻ sau tốt nghiệp thường không mấy mặn nồng với nghề cá, và họ chọn làm trái ngành học. Đẩy thuyền cho xu hướng làm trái ngành này, là không ít công việc có mức lương ổn định mà không cần bằng cấp chuyên môn.
Các trường thì luôn khẳng định trên 95% sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp. Hoàn toàn đúng, và có thể là 99,99%, nhưng là việc gì thì lại là chuyện khác. Và chỉ những ai trong cuộc mới hiểu rằng vì sao sinh viên lại bỏ nghề cá? Vì cực nhọc, đen da, không có cơ hội thăng tiến cao, đồng lương tỷ lệ nghịch với hao phí sức lao động, hay thậm chí là học để có bằng đại học… đó là những góc nhìn của đa số Tân Kỹ sư thủy sản hằng năm. Người trẻ chọn học ngành thủy sản có khi chỉ là vì không biết học gì, hay học vì gia đình ép, học vì không đủ điểm đậu các ngành cao hơn và cả việc học để có học đại học. Rõ ràng tầm nhìn về công tác hướng nghiệp của các Tân Kỹ sư đang rất hạn chế, và công tác hướng nghiệp cho học sinh cũng vậy.
Ngành thủy sản đang khát nguồn lực qua đào tạo
Việt Nam coi nhóm ngành Nông Lâm Ngư là trục cân kinh tế quốc dân, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Bằng những lợi thế tự nhiên vốn có, tư duy phát triển và xây dựng, Việt Nam ngày càng đẩy mạnh gia tăng phát triển ngành thủy sản. Kéo theo dòng chảy của thế giới về sự tiến bộ trong ngành, nghề cá Việt Nam phải có quy trình xây dựng tiên tiến với sản phẩm thủy sản chất lượng cao và phát triển bền vững.
Nhiều công ty, cơ quan, tổ chức thiếu hụt trầm trọng nguồn lực có chuyên môn, đảm trách các nhiệm vụ trọng yếu của nghề cá. Song vẫn khó lòng tuyển đủ người và đủ lòng đảm trách…
Đòi hòi các công cụ, thiết bị sử dụng trong ngành cũng phải nâng cấp hơn, quy trình quản lý, giám sát, đánh bắt, chế biến cũng hiện đại hơn, nghiên cứu phát triển sản phẩm phải chất lượng hơn. Và để làm được việc đó lại cần một lượng lớn nguồn lực qua đào tạo để đảm trách các công tác vận hành, giám sát, quản lý, chế biến, nghiên cứu phát triển …
Thực tiễn có thể thấy, các doanh nghiệp, cơ quan đang không ngừng chuyển mình, chạy hết tốc lực để hoàn thiện hơn trong nghề cá, nhưng họ đang rất thiếu những người đồng hành, những người yêu nghề cá, và hiểu rõ tầm quan trọng của nghề.
Giải pháp đến từ đâu?
Khi đứng trước những khó khăn hay cần giải quyết điều gì đó, người ta sẽ đặt ra câu hỏi: “giải pháp là gì?”. Khó khăn này cũng vậy. Để tìm ra câu trả lời, hãy nhìn vào vướn mắt và tháo gỡ.
Vướng mắt ở đây có thể kể một số điều: công tác hướng nghiệp, truyền thông; kết nối doanh nghiệp; định hướng nghề sau tốt nghiệp; tiền lương cho lao động; … và còn nhiều cái chi li khác. Vấn đề ở đây, không phải là cứ viết ra mãi các vướn mắt mà hãy hành động để tháo gỡ. Hành động này cần cái bắt tay từ Ngành Giáo Dục – Ngành Thủy Sản – Doanh nghiệp – Truyền thông – Gia đình, một cái bắt tay quyết liệt và mạnh mẽ.
Cần tăng cường tuyên truyền giáo dục, định hướng tầm quan trọng của nghề cá trong xã hội, hướng nghiệp sâu rộng cho thanh niên. Nhà trường, doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác, tạo việc làm với mức thu nhập tương xứng, hấp dẫn thu hút sinh viên ngành thủy sản sau tốt nghiệp, định hướng nghề tương lai cho sinh viên ngay từ năm nhất. Chú trọng đào tạo chuyên sâu các công nghệ mới, mô hình quản lý tiên tiến trên thế giới cho người trẻ theo nghề. Truyền thông phối hợp cùng nhau, tuyên truyền trong xã hội, xóa dần các định kiến về nghề, xem rằng không chỉ nghề cá mà tất cả các nghề khác đề phải được đối xử như trong một xã hội tiến bộ…
Hy vọng, trong tương lai nghề cá nước nhà mạnh mẽ vươn buồm đón những đầu sóng lớn trên thị trường thế giới, với lực lượng những người trẻ chuyên môn cao, tâm huyết và đam mê với ngành Thủy Sản.