Cùng với các loại hình chế biến khác như lột ghẹ, lột tôm, chế biến mắm, tôm khô, ruốc khô… nghề phơi cá khô truyền thống đã góp phần đáng kể vào giải quyết việc làm cho lao động và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Đến thị trấn Vàm Láng vào những ngày nắng đẹp, cặp theo những tuyến đường nhựa là những vỉ cá tươi vừa được xẻ phơi khô nhìn rất thích mắt.
Còn ở những vỉ khô đã đạt yêu cầu thì ánh lên màu vàng nhạt dưới ánh nắng trông rất hấp dẫn. Với sản lượng hải sản lớn khoảng 16.000-18.000 tấn hải sản các loại được đánh bắt bởi những đội tàu cá của địa phương và các tỉnh cập cảng cá Vàm Láng, làng chế biến cá khô Vàm Láng cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng trăm tấn khô mỗi năm.
Theo các vị cao niên, làng nghề cá khô Vàm Láng gắn liền với sự hình thành của làng cá Vàm Láng từ rất xưa và tồn tại, phát triển cho đến ngày nay. Thuở ban đầu, người xưa làm khô vì lượng cá tươi đánh bắt quá nhiều, ăn không hết nên chế biến, dự trữ để ăn dần trong những lúc trời mưa to, bão lớn.
Rồi theo thời gian, những cư dân ở đây đi làm ăn lập nghiệp nơi xa đều mang món cá khô của quê nhà theo để ăn và được nhiều người ở xứ khác khen ngon, nhờ đặt mua giùm. Dần dần từ đó, món cá khô ở làng biển biển này đã có mặt ở những sạp khô, mắm trong tỉnh và cả ngoài tỉnh.
Cùng các loại hình sơ chế, chế biến hải sản khác như lột ghẹ, lột tôm, ruốc khô… thì nghề phơi cá khô truyền thống đã góp phần đáng kể vào giải quyết việc làm cho lao động và thu nhập ổn định cho hơn hàng trăm lao động tại địa phương. Địa bàn hoạt động của nghề chế biến cá khô chủ yếu tập trung ở khu phố Chợ 1 và khu phố Chợ 2 của thị trấn Vàm Láng.
Số hộ tham gia có quy mô vừa và nhỏ chiếm 38% trên tổng số hộ dân trong khu vực làm nghề chế biến thủy sản (1.338 hộ), đã góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 750 lao động, đặc biệt là lao động nữ cùng 1.500 lao động không thường xuyên.
Làng nghề chế biến cá khô Vàm láng mỗi năm sử dụng khoảng 587 tấn cá các loại cung cấp cho thị trường trên 1.500 tấn khô các loại như khô cá mối, cá lưỡi trâu, cá chỉ vàng, cá đổng, cá đù… Ngoài việc chế biến cá khô bán lẻ, nhiều hộ còn làm đầu mối thu gom để cung cấp cho các chủ vựa để bán đi ở thị trường Tp. Hồ Chí Minh, thành phố Mỹ Tho. Vào mùa còn có các thương lái từ tỉnh Vĩnh Long, Long An,… cũng đến thu mua.
Anh Lê Văn Danh chủ cơ sở sản xuất cá khô khu phố Chợ 2, thị trấn Vàm Láng cho biết, tùy theo con nước, tàu đánh bắt về lúc nào thì đem cá về lúc đó và làm không kể ngày đêm nhằm đảm bảo độ tươi của con khô sau khi thành phẩm. Quy trình làm cá khô truyền thống ở vùng biển này như sau: làm sạch vây, vảy, ruột, sau đó ướp muối hoặc tẩm gia vị, đem xếp lên giàn phơi nắng, mỗi ngày cần được trở 2 lần.
Nếu nắng tốt, chỉ cần phơi đủ 2 nắng là con khô đạt yêu cầu. Các khâu rửa, cắt ruột, đánh vảy thì 2.000 đồng/kg, phơi thì 4.000 đồng/vỉ, thu nhập bình quân từ 100.000 - 150.000 đồng/ngày. Trung bình hàng ngày cơ sở anh có hơn chục lao động tham gia các khâu chế biến, phơi, sấy khô.
Tại hộ bà Mười Đăng (thị trấn Vàm Láng), toàn bộ mảnh sân trước cửa nhà đều được tận dụng phơi khô. Không phải là cơ sở chế biến lớn nên gia đình bà làm cá khô tranh thủ vào những tháng nắng, trung bình mỗi ngày phơi được từ 100-150 kg cá tươi, thu được từ 10-15 kg khô thành phẩm. Sản phẩm khô truyền thống của bà nổi tiếng với khô cá lù đù, cá mối được các sạp khô ở chợ Gò Công đặt hàng mà không đủ cung cấp.
Chị Trần Thị Thu, chủ cơ sở chuyên cung ứng, sản xuất hải sản, khô, ruốc nổi tiếng ở Khu phố 2, thị trấn Vàm Láng, giới thiệu quy trình sản xuất cá khô của gia đình làm nghề truyền thống trong hàng chục năm qua. Khu vực sản xuất cá khô của chị trung bình mỗi ngày có khoảng 30 nhân công tham gia các khâu xẻ cá, phơi khô. Thu nhập bình quân mỗi người dao động từ 4 - 4,5 triệu đồng/tháng, vào những lúc tàu đánh bắt được mùa thì thu nhập có thể tăng hơn vì lượng cá xẻ khô nhiều.
Sản phẩm khô của chị chủ yếu là tiêu thụ ở thị trường ngoài tỉnh, chủ yếu là Tp. Hồ Chí Minh với lượng thành phẩm trung bình mỗi ngày 1 tấn khô các loại như khô cá mối, cá đổng, cá trâu, cá tra…
Chị Thu cho biết, hiện nay, đầu ra của sản phẩm khô của cơ sở đã ổn định và nhiều lúc sản phẩm làm ra không đủ bán vì nhu cầu tiêu thụ lớn trong khi nghề làm khô lại có đặc trưng riêng là phụ thuộc nhiều vào lượng cá đánh bắt của tàu cá, đặc biệt là thời tiết. Hiện nay, cơ sở chị Thu cũng như một số cơ sở sản xuất cá khô khác sử dụng cách sấy khô truyền thống là sử dụng quạt đẩy hơi nóng từ bếp than tàn ong sang vỉ khô.
Bà Lê Thị Hồng Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông trao đổi, làng nghề chế thủy sản thị trấn Vàm Láng được thành lập theo Quyết định công nhận số 1551/UBND ngày 28/6/2013 của UBND tỉnh Tiền Giang đã góp phần chế biến thủy sản, vừa làm tăng giá trị hàng hóa, vừa tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho nhân dân địa phương.
Nhằm giữ gìn và phát triển ngành nghề truyền thống của địa phương gắn với nhu cầu phát triển theo hướng bền vững, UBND huyện đang tiến hành quy hoạch tổng thể Làng nghề chế biến thủy sản thị trấn Vàm Láng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống xử lý nước thải tập trung cho làng nghề.
Đồng thời, kiến nghị cấp trên đầu tư ứng dụng công nghệ, trang bị một số máy móc thiết bị vào một số khâu như: chế biến, bảo quản và đóng gói sản phẩm... để đảo bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng cho sản phẩm. Điều cần thiết là cần có những dự án đầu tư vào làng nghề này nhằm giúp các chủ cơ sở sản xuất, hộ gia đình có điều kiện được vay vốn ưu đãi, có cơ hội tiếp cận công nghệ, thiết bị chế biến sản phẩm hiện đại cũng như được hỗ trợ quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.