Chuyển biến rõ nét
Đa phần người dân ở ấp Vĩnh Thạnh (xã Phước Vĩnh Đông, H.Cần Giuộc, Long An) sinh sống bằng nghề nuôi tôm. Anh Trần Văn Tâm, một nông dân ở đây, cho biết nghề nuôi tôm không chỉ cần kinh nghiệm mà người nuôi nên làm theo hướng dẫn của địa phương để hạn chế dịch bệnh và đạt năng suất cao. Vụ tôm vừa qua, với diện tích 1 ha, gia đình anh Tâm thu lãi khoảng 120 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Tấn Bước, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Vĩnh Đông, trong 6 tháng đầu năm 2013, toàn xã có 208 hộ thả nuôi tôm, với diện tích 104 ha; trong đó chủ yếu là tôm thẻ chân trắng.
Năm 2013, toàn H.Cần Giuộc thả nuôi trên 1.147 ha, đạt 76,5% diện tích. Có 85% lượng tôm giống được kiểm dịch; trong đó, huyện kiểm dịch 25%, Viện Pasteur 60%. Số còn lại do người dân có vốn đầu tư thấp, tự mua con giống, nên thả nuôi không qua kiểm dịch. Thời gian qua, dịch bệnh bùng phát làm tôm chết, gây thiệt hại 402 ha (chiếm 35% diện tích). Đến nay, toàn huyện đã thu hoạch trên 700 ha, đạt năng suất trung bình 3 tấn/ha. Đa số tôm thu hoạch đúng ngày tuổi, nên người nuôi đều có lãi. Tính đến nay, huyện đã thả nuôi được trên 525 ha tôm vụ hai và tôm đang trong giai đoạn phát triển bình thường.
Theo Sở NN-PTNT Sóc Trăng, đến cuối tháng 6.2013, tỉnh đã thả được 4,4 tỉ con giống trên diện tích 22.239 ha, đạt 87% kế hoạch; trong đó có 12.643 ha nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, chiếm 57%. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của tỉnh Sóc Trăng đạt 6.233 ha, tăng gấp 3 lần so với năm 2012, tập trung nhiều nhất tại TX.Vĩnh Châu và 2 huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên. Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, Sóc Trăng bị thiệt hại 5.515 ha tôm, chiếm 23% diện tích, nhưng so với năm 2012, diện tích này đã giảm 37%. Thêm vào đó, nhờ tìm được biện pháp khắc phục hiệu quả, tỉnh đã cứu được 130 ha tôm bị thiệt hại.
Theo nhiều hộ nuôi tôm vùng ven biển Sóc Trăng, sau 2 năm thất bại liên tiếp, vụ nuôi tôm năm 2013 có dấu hiệu chuyển biến rõ nét, người nuôi đã tích cực tham gia vào các HTX, hiệp hội nuôi tôm. Sóc Trăng hiện có 20 HTX nuôi trồng thủy sản, với 1.720 xã viên; trong đó có 12 HTX, các xã viên thường xuyên liên kết làm ăn, cùng chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi về cách quản lý nguồn nước, phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kỹ thuật thả nuôi tôm... Ông Phạm Minh Tiền, một thành viên Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, cho biết: “Từ khi tham gia hiệp hội, các thành viên đã biết cách thả nuôi tôm với mật độ thưa, đồng thời áp dụng thành công kỹ thuật nuôi quảng canh và nuôi thâm canh”.
Tôm được giá
Hiện nay, giá tôm sú ở ĐBSCL đang ở mức cao. Cụ thể, tôm sú loại 20 con/kg được các doanh nghiệp mua vào từ 230.000 - 240.000 đồng/kg, loại 30 con/kg từ 180.000 - 200.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá 155.000 đồng/kg. Không chỉ tôm sú mà tôm thẻ chân trắng cũng có giá khá hấp dẫn: loại 100 con/kg giá 90.000 đồng/kg, loại 90 con/kg giá 108.000 đồng/kg, loại 80 con/kg giá 110.000 đồng/kg. Vừa thu hoạch 2 ha tôm quảng canh được gần 600 kg, ông Trần Thanh Tân (ở xã Đông Hòa, H.An Minh, Kiên Giang), phấn khởi cho biết: “Nhiều nông dân trong xã còn mua thức ăn công nghiệp về cho tôm ăn dặm để mau thu hoạch, tranh thủ bán được giá cao. Mỗi héc ta tôm quảng canh chỉ cần đạt chừng 250 - 300 kg là nông dân sống khỏe, vì nuôi theo hình thức này tốn rất ít chi phí”.
Hiện các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh việc thả nuôi. Ông Nguyễn Vân Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Kiên Giang, cho biết đến nay, các doanh nghiệp và nông dân trong tỉnh đã thả nuôi được 1.100/2.000 ha tôm công nghiệp, tập trung chủ yếu ở các huyện thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên. Phần lớn các doanh nghiệp đều cam kết thả nuôi hết diện tích đang có. Nếu giá tôm ổn định như hiện nay, thì khả năng tỉnh đạt kế hoạch 2.000 ha nuôi tôm công nghiệp là không khó.