Đề tài được thực hiện tại Lâm-Ngư Trường 184, tỉnh Cà Mau từ tháng 2 đến tháng12/2003. Tổng cộng có 18 vuông tôm - rừng được chọn nghiên cứu bao gồm: 3 vuông có rừng đước 5 tuổi; 3 vuông có rừng đước 10 tuổi; 3 vuông có rừng đước 15 tuổi; 3 vuông có rừng hỗn hợp mắm-giá tự nhiên; 3 vuông có dừa lá tự nhiên; 3 vuông không có rừng (Rừng đước trồng đã khai thác toàn bộ 2 năm trước đó, lúc rừng đạt 15 tuổi) và 5 điểm ở kênh và sông. Các chi tiết về các vuông. Mẫu nước được thu từ 18 vuông và 5 điểm ở sông trước các vuông 1, 4, 7, 12, 13. Mỗi tháng thu 1 lần vào trước kỳ thay nước, thời gian thu mẫu từ 7 đến 12 giờ. Các yếu tố và phương pháp phân tích như (APHA, 1989), pH, COD, H2S, Nitrite, TAN, Phosphate, Tannin, Fe2+, TOM. Chlorophyll-a, phân tích bằng cách chiết xuất với Aceton và so màu bằng máy quang phổ.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, hầu hết các yếu tố thủy, lý, hóa, sinh sai khác nhau không có ý nghĩa thống kê giữa các mô hình tôm - rừng, nhưng biến động rất lớn theo mùa. Chất lượng nước vẫn đảm bảo cho nghề nuôi tôm sinh thái. Tuy nhiên, nước mương xấu hơn vào mùa mưa. Điều này cần có giải pháp thỏa đáng. Năng suất tôm tự nhiên ở vuông tôm không có rừng khác biệt không ý nghĩa thống kê so với vuông có rừng. Vuông có dừa nước vẫn cho năng suất tốt so với rừng đước hay mắm-giá. Điều này cho biết có những yếu tố khác tác động lớn đối với tôm hơn là lá rừng và chất lượng nước. Từ đó cho thấy triển vọng tốt để phát triển nuôi tôm sinh thái nếu mô hình được quản lý tốt.