Lão ngư Châu Thành Minh làm Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá thị trấn Cái Rồng từ ngày thành lập đến bây giờ, chia sẻ: Trước đây ngư dân không có tổ chức nào bảo vệ, từ khi vào nghiệp đoàn, ngư dân đã trở thành đoàn viên công đoàn, được sinh hoạt và bảo vệ trong một tổ chức của Nhà nước. Vì thế, ngư dân đã vững tâm ra khơi, bám biển.
Chị Lê Thị Nết, Ủy viên BCH Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch LĐLĐ huyện Vân Đồn, cho biết: Từ nghiệp đoàn nghề cá ban đầu với 13 đoàn viên, đến nay Vân Đồn đã có 3 nghiệp đoàn là thị trấn Cái Rồng, xã Đông Xá, xã Hạ Long, với tổng số 290 đoàn viên. Do các tàu thường xuyên đi biển dài ngày nên việc tập trung các đoàn viên rất khó, song các thành viên vẫn liên lạc với nhau, thường xuyên duy trì các hoạt động, như quỹ công đoàn, tổ chức tổng kết, đại hội nghiệp đoàn, thăm, tặng quà cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn... Đặc biệt, các tàu vẫn liên kết, hỗ trợ nhau trong những chuyến ra khơi, những lúc ngư trường khó khăn. Điển hình, vừa qua 1 tàu của xã Hạ Long bị cháy, các chủ tàu đã chung tay hỗ trợ (mỗi tàu 1 triệu đồng), giúp tàu bị nạn sớm khôi phục hoạt động đánh bắt.
LĐLĐ huyện Vân Đồn thường xuyên thăm hỏi, tặng quà các đoàn viên; tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới ngư dân. Quy định cấm sử dụng ngư cụ đánh bắt tận diệt được 100% ngư dân huyện chấp hành nghiêm túc. Năm 2018, LĐLĐ huyện đã phối hợp với LĐLĐ tỉnh, Công an tỉnh... mở lớp tuyên truyền về Luật Biển Việt Nam, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Giao thông đường bộ cho ngư dân. LĐLĐ huyện còn thường xuyên sử dụng các kênh tuyên truyền cho ngư dân qua zalo, facebook, hòm thư điện tử. Nhờ đó, ngư dân yên tâm bám biển, góp phần nâng cao sản lượng đánh bắt của huyện Vân Đồn mỗi năm.
Ngư dân thị trấn Cái Rồng vận chuyển hàu lên bờ bán cho thương lái.
Theo LĐLĐ tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có 10 nghiệp đoàn nghề cá với 136 tàu và trên 700 đoàn viên. LĐLĐ tỉnh thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn các nghiệp đoàn tổ chức tập huấn nghiệp vụ, Luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn… cho đoàn viên. Mỗi nghiệp đoàn sau thành lập được hỗ trợ máy định vị vô tuyến Icom (trị giá khoảng 30 triệu đồng), tủ thuốc, một số trang thiết bị, vật dụng trên tàu và hỗ trợ quỹ hoạt động, quỹ hỗ trợ đoàn viên khó khăn. Ngoài kinh phí hỗ trợ ban đầu của LĐLĐ tỉnh là 10 triệu đồng/nghiệp đoàn, ban chấp hành nghiệp đoàn đã thống nhất cùng các chủ tàu xây dựng quy chế đóng góp kinh phí (chủ yếu do chủ tàu hỗ trợ hằng tháng, quý và thu đoàn phí của đoàn viên) để tổ chức các hoạt động của nghiệp đoàn.
LĐLĐ tỉnh cũng xây dựng Quỹ hỗ trợ đoàn viên khó khăn của nghiệp đoàn và vận động ủng hộ cho quỹ của mỗi nghiệp đoàn từ 30-40 triệu đồng. Quỹ trợ vốn CNLĐ nghèo, Quỹ Mái ấm công đoàn LĐLĐ tỉnh cho đoàn viên nghiệp đoàn có hoàn cảnh khó khăn vay vốn, hỗ trợ tăng gia sản xuất, sửa chữa và xây dựng nhà ở, mua sắm phương tiện sinh hoạt, ổn định kinh tế gia đình, để đoàn viên yên tâm bám biển sản xuất…
Các nghiệp đoàn đã xây dựng quy chế hoạt động, tổ chức các buổi sinh hoạt, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến ngành, nghề; đoàn kết tương trợ, giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp và đời sống; kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi gặp sự cố, tình huống xấu trên biển; thăm hỏi khi gia đình đoàn viên gặp khó khăn… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của ngư dân trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khai thác, bảo vệ nguồn lợi hải sản, trách nhiệm tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh lãnh hải quốc gia.