Xưa, tôm cá vùng ĐBSCL nhiều vô kể nhưng để có thu hoạch thì nhất thiết phải có ngư cụ, dụng cụ đánh bắt hữu hiệu. Ngoài những nông ngư cụ mang theo từ quê nhà, lưu dân còn sáng tạo những dụng cụ và phương pháp đánh bắt các loài thủy sản rất dồi dào trong môi trường sông nước mênh mông, bạt ngàn của miền Tây thuở ấy. Mỗi ngư cụ kèm theo một kiểu đánh bắt khác nhau với từng điều kiện thiên nhiên cũng như đối với từng loại tôm cá.
Đáy: Để đánh bắt được nhiều cá tôm ở những sông rạch lớn có chế độ bán nhật triều (mỗi ngày hai con nước lớn, ròng) người ta dùng "đáy". Đáy là một túi lưới to có miệng rộng hình hơi vuông, thường có miệng dài khoảng 6m, rộng chừng 3m. Đáy to ở phía miệng, nhỏ dần về phía đuôi dài độ 20m. Ở cuối đuôi dài như ruột cá, người ta cột kín lại. Đáy được "đóng", "trải" khi nước lớn vừa đứng. Và khi nước ròng bắt đầu chảy mạnh dần lên, đó cũng là lúc các loại cá tôm sau khi theo nước lớn vào sâu trong các ngõ ngách ruộng đồng, vườn tược... để kiếm ăn, rút ra sông lớn để tránh mắc cạn theo bản năng tự nhiên. Đáy vùng nước ngọt chủ yếu bắt tép bạc, cá trắng nhỏ; hay ở vùng đầu nguồn có nhiều cá linh hoặc vùng nước lợ nhiều cá kèo, tôm sú, cá mề gà…
Đăng: Là ngư cụ khá đơn giản. Chỉ là một tấm lưới dài chừng 100m, cao chừng 2m được căng theo bao mé sông, rạch khi nước lớn. Đến khi nước ròng cạn, cá tôm ở các mương vườn, ruộng ra sông kẹt lại dính đăng. Đăng chỉ thực hiện đánh bắt vào những ngày nước kém, thủy triều xuống cận đáy sông, rạch... Đăng bắt được khá nhiều loại cá như cá lóc, cá trê, cá lăng, cá mè, cá rô…
Nò: Nò hình trụ tròn, làm bằng tre, dài chừng 2m. Ngày xưa, muốn làm vành nò, người ta thường đi tìm, bứt dây cổ rùa về uốn vành. Dây cổ rùa là loại dây bò trên các loại cây tre, bằng lăng, mù u và các lùm bụi. Dây có chu vi cỡ ngón chân cái, dẻo, dai, dễ uốn cong theo ý muốn. Nếu không có dây cổ rùa thì người ta dùng tre, cắt khúc, phơi khô rồi chẻ ra và vót tròn để uốn vành. Thân nò được bao bằng tre, trúc vót cọng tròn cỡ chiếc đũa ăn, bện dày khít bằng dây choại. Hom nò chạy dọc theo thân, đặt ở miệng nò. Hom làm bằng trúc vót dẹp, mỏng, có đầu nhọn để cá không thể bơi ngược ra theo hom. Muốn đặt nò, người ta phải bện đăng bằng sậy theo hình chữ V có đuôi hở ra vừa miệng nò. Sau đó đặt nò vào vị trí ấy. Người ta đặt nò nơi có dòng nước chảy mạnh, như chỗ miệng mương, ruộng trổ ra rạch, hoặc dưới bến sông trước cửa nhà. Nò chủ yếu bắt tép, cá chạch, cá rô, trê, lóc, cua, ốc…
Chài: Là một dụng cụ đánh bắt cá truyền thống có từ rất lâu đời, rất phổ biến, được sử dụng khắp nước ta. Chài được dệt bằng lưới, mắc thưa hay dày tùy theo mục đích sử dụng đánh bắt. Chài có dạng như chiếc nón lá. Chóp chài kín có đoạn dây mềm để cầm, kéo. Phần dưới đáy có viền chì. Khi tung lưới, chài bung xòe tròn ra và rơi chìm xuống nước, viền chì nặng nhanh chóng khép lại. Người sử dụng chài kéo lên và gỡ, bắt cá đã dính chài. Tung, vãi chài cũng là một thao tác kỹ thuật đòi hỏi sự điêu luyện, phải quen mới làm được.
Lọp: Là một dụng cụ đánh bắt phổ biến ở khu vực ĐBSCL, có từ rất xa xưa do dễ làm, dễ thao tác đánh bắt. Đặt lọp bắt cá là công việc quen thuộc với nhiều người, kể cả hai mùa mưa nắng. Lọp thường được làm bằng tre, khá đơn giản nhưng chúng có thể đánh bắt được nhiều loại thủy sản khác nhau. Có lọp bắt cá, lọp bắt cua, tôm, thậm chí cả lọp đánh bắt rắn, chuột… Cấu trúc của lọp thường là hình trụ, hai đầu có hom để cá tôm chui vào. Có thể nhìn bề ngoài trông giống nhau và chung một nguyên lý đánh bắt là bẫy, dụ con mồi chui vào, nhưng trên thực tế, tùy từng loài thủy sản cụ thể, nông dân đã tạo tác ra những chiếc lọp khác nhau, có đối tượng đánh bắt nhắm tới.
Xuồng đặt lọp. Ảnh: DUY KHÔI
Vó: là một tấm lưới hình vuông có tùng (đáy) thụng ở giữa, được móc, cột, treo trên một giá treo hình chữ thập, thường làm bằng tre, trúc có độ đàn hồi tốt. Trung tâm giá được cột chặt với một cây tre dài, dẻo nối vô bờ gắn với một trục đòn bẩy giống như thanh chắn. Người ta thả vó chìm dưới mặt nước, cột túi mồi bằng cám rang, hoặc ruột gà vịt dẫn dụ cá, tôm, tép vào vó. Khoảng một thời gian nhất định nào đó, người ta "cất vó" lên; tôm cá sẽ bị mắc lại trong lòng vó. Vó thường bắt được các loài cá trắng nhỏ và tôm, cua, tép… Ngoài ra còn có "nhá" với cấu trúc, kiểu cách giống hệt vó nhưng nhỏ hơn nhiều, thường được các em bé nhà quê cầm tay đi đặt tép, cá bống ở mương vườn, lạch nhỏ…
Ngoài những ngư cụ truyền thống tiêu biểu như kể trên, người ĐBSCL còn có những dụng cụ đánh bắt cá tôm khác như: bôn, xệp, nôm, lưới bén, câu rê, câu cắm, câu chìm...
Nông dân Bạc Liêu kéo lưới bắt tôm trong vuông nuôi. Ảnh: DUY KHÔI
Bản năng sinh tồn và thích nghi mạnh mẽ của lưu dân đã giúp họ đứng vững trên vùng đất mới phương Nam. Đánh bắt thủy sản là một hoạt động xuyên suốt trong quá trình khai mở đất, đã thành một tập quán sản xuất quan trọng trong đời sống cư dân Nam bộ từ xa xưa cho đến nay.