Một trong những khâu quan trọng trước mùa biển mới được bà con ngư dân quan tâm nhất là tu sửa, kiểm tra lại tàu thuyền nhằm đảm bảo cho việc ra khơi được suôn sẻ, hanh thông.
Bà con ngư dân Hà Tĩnh tu sửa lại tàu thuyền chuẩn bị cho những chuyến ra khơi
Anh Nguyễn Tiến Huân (xã Thạch Long, Thạch Hà) cho biết: “Vụ cá nam là mùa đánh bắt quan trọng nhất trong năm đối với bà con ngư dân chúng tôi, vì thế, nhiều tàu thuyền đã được lên đà sơn chống hà, gia tăng độ bền, kiểm tra hệ thống bánh lái, chân vịt... Như thuyền của tôi cũng vừa đầu tư hơn 20 triệu đồng mua sắm thêm một số thiết bị và ngư cụ để sẵn sàng đánh bắt trong mùa cá mới”.
Thời điểm này, ngư dân tại vùng bãi ngang thuộc các địa phương như xã Thịnh Lộc (Lộc Hà); Thạch Hải, Thạch Trị (Thạch Hà); Kỳ Phú, Kỳ Xuân (Kỳ Anh),… cũng đang sửa chữa lại ngư lưới cụ bị hư hỏng, kiểm tra máy móc chuẩn bị vươn khơi bám biển.
Nhiều ngư dân ở Lộc Hà sơn, sửa lại tàu thuyền để bắt đầu vụ cá nam năm nay.
Anh Nguyễn Văn Xuân (xã Thịnh Lộc, Lộc Hà) chia sẻ: “Trong mùa biển động vừa qua, do sóng to, gió lớn, thời tiết không thuận nên nhiều tàu cá tại vùng bãi ngang “ngủ đông”, hạn chế ra khơi. Vào vụ mới, chúng tôi phải chủ động xem xét lại “đồ nghề” để sửa sang, bổ sung”.
Đội tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân xã Kỳ Hà (TX. Kỳ Anh) cũng đã sẵn sàng cho vụ đánh bắt mới ở vùng biển Đà Nẵng, đảo Bạch Long Vỹ, đảo Cô Tô...
Trong vụ cá nam, thuyền của ngư dân thường ra khơi lúc chiều tà để câu mực.
Ngư dân Trần Thế Thanh (xã Kỳ Hà, TX Kỳ Anh) cho hay: “Từ tháng 4 đến tháng 9, thời tiết trên biển rất thuận lợi cho việc câu mực khơi nên sản lượng được nhiều, cộng với giá bán ổn định nên ngư dân bám biển đều có lãi cao. Chúng tôi đã chủ động kiểm tra hệ thống máy móc, mua thêm các loại nhu yếu phẩm cần thiết để đảm bảo sinh hoạt trong những chuyến đi dài ngày. Chúng tôi cũng tuyển thêm nhân công trên thuyền vì mùa đánh bắt này cần nhiều nhân lực hơn”.
Cùng với bà con ngư dân, khu vực hậu cần nghề cá ở các địa phương đang tích cực chuẩn bị xăng, dầu, nhu yếu phẩm và các dịch vụ như khuân, vác, ướp, vận chuyển cá,… để đáp ứng nhu cầu tăng cao trong vụ đánh bắt quan trọng nhất của năm.Đội tàu đánh bắt xa bờ của xã đang thực hiện theo hình thức tổ, đội để hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho nhau trong quá trình tìm kiếm ngư trường và đánh bắt trên biển.
Hiện nay, đội tàu trong xã với hơn 30 tàu có công suất từ 250 - 750 CV đều bắt đầu di chuyển đến các vùng ngư trường rộng lớn để đánh bắt bóng mực kết hợp câu khơi, nếu thuận lợi có thể thu về từ 8 - 9 tấn mực/tàu/vụ.
Ông Lê Văn Luyện - Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà
Chị Trần Thị Mai - chủ cơ sở đông lạnh ở xóm Xuân Phượng (Thạch Kim, Lộc Hà) cho hay: “Mới đây cơ sở đã xây dựng thêm 1 kho cấp đông có công suất lớn, có thể thu mua đạt công suất từ 5 - 7 tấn cá, mực tươi các loại/tháng để chế biến và xuất khẩu. Qua đó tạo tâm thế yên tâm bám biển cho bà con ngư dân và không phải lo lắng quá nhiều về đầu ra sản phẩm”.
Các chủ cơ sở thu mua sản phẩm cho ngư dân tại cảng cá Cửa Sót (Thạch Kim, Lộc Hà).
Để chuẩn bị cho vụ cá nam thắng lợi, Chi cục Thuỷ sản Hà Tĩnh đã thông báo đến các địa phương để huy động tối đa đội tàu thuyền sản xuất vụ cá nam; khuyến khích ngư dân cải hoán nâng cao công suất máy tàu, vươn ra khai thác xa bờ; cung cấp thông tin về ngư trường, nguồn lợi thuỷ sản và thị trường tiêu thụ cho ngư dân lập kế hoạch tổ chức sản xuất có hiệu quả hơn.
Từ đó, phấn đấu đưa sản lượng khai thác thủy sản vụ cá nam năm 2021 của tỉnh đạt khoảng 20.500 tấn, ước trị giá gần 800 tỷ đồng.
Tuy chỉ kéo dài trong thời gian 6 tháng nhưng vụ cá này luôn góp phần quan trọng vào tổng sản lượng thủy, hải sản toàn tỉnh.
Hiện, ngành chuyên môn đang tiếp tục tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn địa phương, ngư dân triển khai các biện pháp đồng bộ khắc phục thẻ vàng của Ủy ban châu Âu đối với hàng thủy sản của Việt Nam (IUU); ra quân kiểm soát tình hình hoạt động tàu cá, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Nhà nước trong khai thác thủy sản.
Ông Nguyễn Tông Thắng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Hà Tĩnh