Lãi 500-800 triệu đồng/hồ
Tham gia nuôi tôm đã hơn 5 năm nay, ông Trần Văn Chín ở thôn Hải Nhuận, xã Phong Hải từng nếm trải “vị đắng” của những lần thất bại, cũng có lúc sướng rơn khi tôm nuôi “đặc hồ”, lãi đậm.
Tính từ ngày đầu bắt tay vào nghề nuôi tôm đến nay, hộ ông Chín đã trải qua hơn 10 vụ nhưng có đến 7 vụ thua lỗ và hòa vốn. Những vụ lỗ lớn từ 500 triệu đến cả tỷ đồng, còn lại lỗ vài trăm triệu đồng. Các vụ có lãi chưa thể bù đắp thua lỗ. “Từ ngày thu hoạch vụ tôm đầu năm đến nay đã gần hai tuần nhưng tui vẫn không ngờ rằng số tiền lãi thu được 1,6 tỷ đồng. Bù lỗ, trả nợ các vụ trước tui còn bỏ túi gần tỷ đồng”, ông Chín vui mừng.
Ông Chín nói: “Chỉ hai ao nuôi rộng 3.000m2/hồ nhưng vụ này tui thu được 19 tấn tôm thương phẩm, sản lượng mà tui và nhiều người nuôi tôm chân trắng chưa từng nghĩ tới”. Kích cỡ tôm phần nhiều loại bình quân 50 con/kg, còn lại 100 con/kg. Giá tôm vụ này tương đối cao so với nhiều vụ trước, loại 50 con/kg có giá 230 ngàn đồng, 100 con/kg giá 120 ngàn đồng. Dù ngỡ ngàng trước năng suất và lãi cao, nhưng theo ông Chín cũng như các hộ nuôi tôm trên cát thì vụ nuôi đầu năm thường mang lại hiệu quả nhờ môi trường ổn định, thời tiết “đẹp”.
Nằm cạnh hai hồ của ông Chín là vuông tôm rộng 3.000m2 của ông Võ Kháng ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải vừa thu hoạch xong cách đây vài ngày. Hộ ông Kháng từng nổi tiếng thu lãi cao ngay từ những vụ nuôi đầu tiên cách đây 5 năm, song những vụ về sau bị thua lỗ triền miên, nợ nần chồng chất do tôm thường xuyên dịch bệnh, chậm phát triển. Vừa dọn dẹp ao hồ mới thu hoạch xong, ông Kháng xởi lởi: “Ba vụ liên tiếp gần đây đều có lãi vài trăm triệu đồng. Có lẽ lâu lắm rồi tui mới có cảm giác sung sướng và tự tin khi vụ tôm nuôi đầu năm nay cho sản lượng gần 10 tấn tôm trị giá 1,5 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi 800 triệu đồng”.
Chấp hành quy chế quản lý vùng nuôi
Ông Chín bảo, các quy trình, kỹ thuật nuôi tôm được người dân ứng dụng trong vụ này không khác mấy so với nhiều vụ trước. Hình thức nuôi vẫn theo hướng bán thâm canh, chủ yếu sử dụng thức ăn công nghiệp. Điều mà ông Chín và người dân cho rằng “khác lạ” so với trước là hầu hết đều mua giống tại Công ty Việt Úc ở Bình Định. Đây là đơn vị sản xuất và cung ứng giống nổi tiếng có chất lượng, uy tín trong cả nước. Theo kinh nghiệm của người dân, nếu tôm nuôi khoảng một tháng không xảy ra dịch bệnh có thể khẳng định chất lượng giống đảm bảo. Còn tôm sau một vài tháng trở đi xảy ra dịch bệnh là do yếu tố môi trường, thời tiết.
Tích lũy kinh nghiệm nhiều năm, mấy vụ gần đây người dân Ngũ Điền không lấy nguồn nước mặn trên mặt biển mà sử dụng ống khoan sâu để lấy nước mặn ngầm trong lòng đất đưa vào nuôi. Nguồn nước này trước khi đưa vào ao nuôi còn phải xử lý vệ sinh môi trường thông qua ao lắng. Theo ông Võ Kháng, các vụ nuôi tôm gần đây ít xảy ra dịch bệnh, ngoài chất lượng con giống, có thể một phần nhờ nguồn nước biển đảm bảo vệ sinh môi trường, thời tiết thuận lợi.
Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Phan Khánh phấn khởi: “Vụ này toàn xã có khoảng 60 ha của hàng trăm hộ, nhóm hộ đưa vào nuôi đều có lãi bình quân 500-800 triệu đồng/hộ. Một số hộ nuôi 2-3 hồ lãi đến 1,5-1,6 tỷ đồng”. Về yếu tố thắng lợi, ông Khánh nhận định, ngoài thời tiết, con giống chất lượng, người dân chấp hành tốt các quy trình kỹ thuật, quy định nuôi trồng của chính quyền địa phương. Hệ thống kênh mương, thủy lợi được đầu tư đảm bảo cấp, thoát nước, xử lý vệ sinh môi trường. Phần lớn các hộ nuôi đều có ao lắng, xử lý nguồn nước trước khi cấp vào hồ nuôi, hoặc xử lý trước khi thải ra môi trường.
Ông Nguyễn Đăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Điền Hòa luôn đặt nhiều kỳ vọng vào vụ nuôi tôm đầu năm vì môi trường ổn định, thời tiết thuận lợi. Riêng vụ nuôi đầu năm nay thắng lớn là điều nằm ngoài mong đợi của chính quyền và người dân. Hơn 15 ha của các hộ cá nhân, nhóm hộ nuôi vụ này đều có lãi, hộ thấp nhất cũng vài trăm triệu đồng, hộ lãi cao 500-700 triệu đồng… Đầu vụ, chính quyền địa phương phối hợp với các ban ngành tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp nuôi an toàn; yêu cầu bà con chấp hành các quy định, Quy chế Quản lý vùng nuôi tôm tập trung (QLVNTTT) của huyện vừa mới ban hành nhằm đạt kết quả như mong đợi, tránh thua lỗ.
Vụ nuôi tôm đầu năm nay ở Ngũ Điền đưa vào nuôi trên 300 ha, mỗi hồ 3.000-3.500m2 đạt từ 7-10 tấn, năng suất bình quân 25 tấn/ha; có đến 90% hộ đều có lãi. Ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền khẳng định, vụ nuôi tôm đầu năm ở Ngũ Điền thắng lợi, một phần nhờ các địa phương chấp hành khá tốt Quy chế QLVNTTT của huyện. Quy chế QLVNTTT được xác định là cơ sở, điều kiện đáp ứng quy trình nuôi tôm an toàn, hạn chế dịch bệnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao.