Ông Trương Quang Lộc (thôn Tân Quý, xã hộ Độ, huyện Lộc Hà) có 8 hồ nuôi tôm thẻ chân trắng và cá nước mặn. Những ngày gần đây, khi biết có bão số 7 sắp đổ bộ vào đất liền và gây mưa lớn ở Hà Tĩnh, ông quyết định thu hoạch sớm hơn ít ngày với các ao nuôi.
Theo ông Lộc, thu hoạch sớm hơn dự kiến thì lợi nhuận không cao nhưng sẽ tránh khỏi bị mất trắng nếu xảy ra lũ lụt. Ngoài ra, ở ao nuôi của 2 hộ dân bên cạnh, tôm đã mắc bệnh hồng thân, nếu có mưa lớn, nguy cơ bệnh lây lan cao, trong khi thời tiết hiện tại khó có thể phòng bệnh triệt để.
Với những ao nuôi mới thả giống hoặc chưa thể thu hoạch, người dân đang nhanh chóng gia cố lại ao nuôi. Trong ảnh: Ông Nguyễn Huy Tuấn (thôn Tân Quý, xã hộ Độ) dựng lại các tấm lưới bao quanh ao phòng trường hợp lũ lụt, tôm, cá sẽ hạn chế thoát ra ngoài.
Theo Chủ tịch UBND xã Hộ Độ Trương Bá Khanh, địa phương có 78 ha nuôi trồng thủy hải sản (tôm, cua, cá, hàu). Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, xã đã khuyến cáo các hộ nuôi tiến hành thu hoạch trước khi xảy ra mưa bão nếu đạt kích cỡ thương phẩm. Đồng thời, chủ động các biện pháp gia cố bờ ao, đầm, chuẩn bị các dụng cụ như lưới, máy bơm, hóa chất, vôi bột để khắc phục kịp thời sự cố gây ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà Võ Tá Bình cho biết: Toàn huyện có 450 ha nuôi trồng thủy hải sản, trong đó 170 ha nuôi ngao, 160 ha thủy sản nước ngọt, 80 ha nuôi tôm và 40 ha các loại khác. Trong số này có diện tích lớn các ao nuôi chưa thể thu hoạch được do chưa đủ ngày xuất bán. Nếu không có biện pháp bảo vệ, nguy cơ thiệt hại số thuỷ hải sản này là khá cao.
Tại khu vực nuôi cá lồng bè của xã Thạch Sơn (huyện Thạch Hà), công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 7 kèm mưa lớn đã cơ bản được hoàn thành trong chiều ngày 13/10.
Anh Nguyễn Văn Hồng (thôn Sông Hải, xã Thạch Sơn) chia sẻ: Gia đình đang có 14 lồng nuôi với trên 1.700 con cá chẽm, mới đây xảy ra đợt mưa lớn, môi trường nuôi chưa kịp ổn định và trở lại bình thường thì tiếp tục chuẩn bị đón cơn bão số 7, ảnh hưởng trực tiếp đến Hà Tĩnh khiến chúng tôi càng lo lắng. Số lồng hiện đã được kiểm tra, tiến hành cố định lại chắc chắn, đóng cọc sâu xung quanh bè.
Cùng với đó, người dân tại thôn Sông Hải cũng đang nhanh chóng tiến hành trục vớt bớt bèo tây do dòng chảy đẩy về tràn vào các lồng nuôi, hạn chế tình trạng bèo vây lồng làm thiếu oxy gây chết cá đột ngột.
Anh Nguyễn Văn Đức – Trưởng thôn Sông Hải cho biết: Lãnh đạo xã cùng cán bộ thôn đã xuống trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 7 của người dân. Trên 60 hộ nuôi cá lồng bè của người dân đã sớm giằng néo, kéo lồng bè vào sát bờ để tránh tình trạng bão lớn kèm mưa to làm lồng trôi theo dòng nước.
Được biết, hiện nay, hơn 100 tấn cá chẽm, cá hồng... đang trong quá trình phát triển, chưa thể xuất bán được nên công tác đảm bảo an toàn lồng nuôi càng được người dân chuẩn bị kỹ lưỡng.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, diện tích nuôi trồng thủy sản hiện nay trên toàn tỉnh là 5.978 ha với sản lượng dự kiến chưa thu hoạch khoảng 5.280 tấn. Trong đó, diện tích nuôi nước ngọt 4.403 ha, sản lượng gần 2.000 tấn và diện tích nuôi mặn lợ 1.575 ha (tôm 1.265 ha, sản lượng gần 1.120 tấn, nuôi nhuyễn thể 310 ha, sản lượng hơn 2.000 tấn). Ngoài ra, còn có diện tích nuôi lồng bè là 173 lồng với 160 tấn.
Trước tình hình thời tiết diễn biến bất lợi, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh khuyến cáo: Trong thời điểm có mưa, đối với các hộ nuôi tôm, cua... không nên làm các hoạt động xáo trộn mặt nước mà nhanh chóng rút nước ở tầng mặt của ao từ các cửa phai của cống thoát, bổ sung khoáng chất, vitamin C vào thức ăn cho tôm, xử lý môi trường bằng khoáng và vôi sau khi mưa tạnh. Đối với cá nuôi lồng bè thì cho ăn với lượng ít, trục vớt bèo tây, theo dõi sức khoẻ của cá để báo cáo lên cơ quan chuyên môn khi có thay đổi bất thường.