19 hộ nông dân nuôi cá tra ở ĐBSCL vừa có đơn gửi các ngành chức năng tại TP Cần Thơ, yêu cầu can thiệp, buộc Công ty CP Chế biến Thực phẩm Sông Hậu (gọi tắt là Công ty Sông Hậu - trụ sở tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ) tổ chức đại hội cổ đông để bán tài sản trả nợ tiền mua cá. Đến ngày 30-9, những nông dân này vẫn tụ tập trước cổng công ty đòi giải quyết quyền lợi, với tổng số nợ gần 40 tỉ đồng.
Bán lỗ, còn bị nợ
Ông Lê Hạ Huy (xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) cho biết vào tháng 6-2013, ông bán 500 tấn cá tra cho Công ty Sông Hậu với giá 21.800 đồng/kg, tổng số tiền gần 10 tỉ đồng. Thế nhưng, đến nay, công ty chỉ mới trả cho ông được 2 tỉ đồng, còn hơn 8 tỉ đồng hẹn trả dần từ ngày 15-9.
Do bị thất hẹn, 10 ngày qua, ông và những người nuôi cá tra khác đã đến công ty đòi nợ. Dù vậy, ông cũng chỉ được trả thêm 5% tổng số nợ. “Với giá cá như vậy, tôi đã bán lỗ khoảng 1.500 đồng/kg, vậy mà họ vẫn cứ dây dưa. Gia đình tôi đã vay ngân hàng 16 tỉ đồng, lãi suất 18%/năm, công ty trả như thế thì biết lấy tiền đâu trả nợ ngân hàng? Ngân hàng sắp phát mãi nhà đất của tôi rồi” - ông Huy rầu rĩ.
Bi đát hơn là gia cảnh ông Hồ Văn Nhượng (phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ). Vì không có tiền trả nợ thức ăn cho cá, ông bị chủ đại lý đập ghế vào đầu. Ông Nhượng khổ sở: “Công ty Sông Hậu còn nợ gia đình tôi hơn 3,8 tỉ đồng tiền mua cá. Gia đình tôi đang nuôi 8 ao cá tra với khoảng 3 triệu con 3-6 tháng tuổi nhưng không có tiền mua thức ăn. Mua chịu ở đại lý thì họ không bán nữa”.
Cũng như ông Nhượng, ông Nguyễn Văn Dân (phường A, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) đứng ngồi không yên khi không có tiền mua thức ăn cho cá, lại còn phải trốn ở Cần Thơ không dám về nhà vì sợ chủ nợ đến đòi tiền. Ông Dân bức xúc: “Tôi vay ngân hàng 400 triệu đồng và vay nợ bên ngoài thêm 400 triệu đồng nữa để nuôi cá tra. Lúc thu hoạch được 39 tấn, tôi bán cho Công ty Sông Hậu với giá 19.800 đồng, lỗ hơn 2.000 đồng/kg. Đã vậy, công ty chỉ thanh toán vỏn vẹn 150 triệu đồng, còn 600 triệu đồng cứ hẹn lần hẹn lữa. Đến ngày 28-9, họ mới trả thêm được 30 triệu đồng”.
Cù nhầy trả tiền
Liên quan đến phản ánh của các hộ nông dân, chúng tôi đã liên hệ với bà Trần Ngọc Sương - nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu, Chủ tịch HĐQT kiêm quyền Tổng Giám đốc Công ty Sông Hậu - để làm rõ vụ việc nhưng không gặp.
Trong khi đó, bà Đặng Thị Tường (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) cho biết: “Chúng tôi bán cá và có giấy xác nhận nợ của Công ty Sông Hậu, thời điểm ông Nguyễn Tấn Thanh còn làm giám đốc. Ngày 2-8, bà Sương mời chúng tôi vào họp và tuyên bố đã đình chỉ chức vụ giám đốc đối với ông Thanh, muốn đòi nợ thì cứ tìm ông ấy!”.
Về việc này, ông Võ Thành Thống, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết UBND TP đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xử lý bằng cách buộc Công ty Sông Hậu phải có văn bản cam kết trả nợ và thông báo cho người dân biết.
Ông Trương Quốc Trạng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, xác nhận đã làm việc với lãnh đạo Công ty Sông Hậu. Theo đó, phía Công ty Sông Hậu cam kết trả tiền nợ cá cho nông dân đợt 1 chậm nhất vào ngày 15-9 với số tiền thanh toán tương đương 20% tổng số nợ. Phần còn lại, công ty thanh toán làm nhiều đợt, chậm nhất đến Tết Nguyên đán này phải trả hết.
“Tuy nhiên, trong 10 ngày qua, hàng chục hộ nuôi cá tra đã vây trước cổng Công ty Sông Hậu vì công ty trả tiền không đúng cam kết” - ông Trạng cho biết.
Trong đơn khiếu nại nêu trên, 19 hộ dân yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương can thiệp vì Công ty Sông Hậu có nguy cơ mất khả năng thanh toán.
Nhiều người kiệt quệ
Theo phản ánh của nhiều hộ nuôi, giá cá tra đang tăng lên khoảng 23.000 đồng/kg nhưng họ không có cá bán vì liên tiếp thua lỗ nhiều năm, không vốn để tái đầu tư. Nhiều hộ nuôi có tên trong danh sách của Hiệp hội Cá tra Việt Nam nay phải bỏ ao, nuôi cá khác hoặc đi buôn lúa.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Thới An (quận Ô Môn, TP Cần Thơ), cho biết: “So với năm 2012, sản lượng cá tra tại Cần Thơ hiện giảm rất mạnh, ít nhất 40%. Đặc biệt, cá gần đến lứa thu hoạch còn rất ít vì đa số người nuôi đã kiệt quệ sau thời gian thua lỗ”.