Niềm vui trúng giá
Tại vùng nuôi cá tra tập trung ở xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, không khí rộn rã hơn vì nông dân trúng lớn vụ cá. 18 hộ nuôi cá tra trong HTX Nuôi thủy sản Đại Thắng đều phấn khởi khi tình hình tiêu thụ thuận lợi. Ông Huỳnh Văn Hòa, thành viên HTX trước tết bán được 52 tấn cá với giá 29.000 đồng/kg. Với mức giá này thì lợi nhuận khá cao so với trong vài năm gần đây.
Kể từ cuối năm 2018, các nhà máy chế biến đã tăng cường thu mua cá tra nguyên liệu nên đẩy theo giá cá tăng vọt, dao động khoảng 29.000-32.000 đồng/kg, có lúc lên đến 36.000-37.000 đồng/kg, đây là mức giá đảm bảo cho người nuôi có lãi lớn. Đến khu vực nuôi cá tra của ông Võ Văn Tánh, ở thị xã Ngã Bảy, mới thấy hết niềm vui khôn tả của người nuôi cá tra sau nhiều năm rớt giá. Ông Tánh là hộ bán được cá giá cao nhất trong nhiều năm qua. Với trên 100 tấn, bán 2 đợt giá 30.000-31.000 đồng/kg, do ông Tánh tìm được đối tác thu mua vào đợt đầu vụ nên giá cao hơn so với những thành viên khác.
Sau thời gian dài lận đận vì giá thì hiện nay việc nuôi cá tra của ông Phạm Thanh Hiền, ở xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, đã ổn định trở lại. Có được thành quả này là nhờ ông Hiền mạnh dạn đầu tư lớn nhờ sự hỗ trợ tích cực của các thành viên HTX. Chính vì vậy mà ao cá tra của ông Hiền tiếp tục đứng vững và phát triển cho đến nay. Ông Hiền chia sẻ: “Hồi năm 2016, tôi lận đận lắm vì giá cá tụt giảm thảm hại. Nhờ HTX và các thành viên cho mượn vốn, trợ giá thức ăn nên tôi tiếp tục thả nuôi, đón đợt giá cao của vụ này. Năm nay, tôi đã trả được hết nợ và có lời vì bán được 46 tấn cá với giá 29.000 đồng/kg”.
Nhiều thành viên bán có lời từ đó kéo theo dịch vụ kinh doanh, làm ăn của HTX cũng khởi sắc theo. Ông Phạm Hùng Minh, Phó Giám đốc HTX Nuôi thủy sản Đại Thắng, khoe: “HTX có nhiều hộ thu hoạch cá bán có lợi nhuận cao, trung bình lời khoảng 7.000 đồng/kg. Từ đây, các dịch vụ thu hoạch cá, hút bùn, bán thức ăn của HTX cũng gia tăng. HTX năm qua cũng thu lãi trên 318 triệu đồng từ các dịch vụ này. Nhìn vào doanh thu này, không chỉ các thành viên vui mừng mà những người làm quản lý chúng tôi cũng phấn chấn không kém vì hoạt động của HTX ngày càng được phát triển bền vững”.
Cùng niềm vui trúng mùa, trúng giá cá tra, còn hơn 10 thành viên khác của HTX cũng đang hồ hởi chăm sóc cho những lứa cá tiếp theo với niềm kỳ vọng lớn. Ông Phạm Hùng Minh, Phó Giám đốc HTX, cho biết: “Cá tra đang mang lại niềm vui cho người dân và thành viên HTX. Hiện nay, tôi đang tập trung chăm sóc ao cá tra với hơn 50 tấn và dự kiến sẽ thu hoạch vào những ngày tới. Hy vọng cầm chắc lợi nhuận tốt”.
Tăng cường phòng bệnh
Để “đường bơi” của con cá tra ngày càng mở rộng, ngành chức năng tỉnh luôn quan tâm kiểm soát chất lượng giống, quản lý tốt vùng nuôi và phòng, chống dịch bệnh trên cá tra. Nhờ quản lý tốt các vấn đề trên mà năm qua cá tra chưa có xảy ra biến động gì lớn khi toàn tỉnh vẫn giữ vững diện tích nuôi cá như hiện nay. Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Lê Kim Ngọc thì từ năm trước, ngành đã dự báo về tình trạng khan hiếm nguồn cá giống và tự phát chuyển đổi từ đất lúa sang ương nuôi cá tra như nhiều tỉnh ĐBSCL. Sợ vấn nạn này sẽ làm nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, con giống kém chất lượng và tăng đột biến cá nguyên liệu, gây thiệt hại cho người nuôi. Trong năm 2018, ngành đã phối hợp với các địa phương và có văn bản yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp tự phát nuôi không theo quy hoạch. Cùng với đó, thường xuyên tuyên truyền vận động, thuyết phục người dân không chuyển đổi đất trồng lúa sang ương nuôi cá tra. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan có liên quan và các địa phương tăng cường hướng dẫn người nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong ương, nuôi cá tra, sử dụng thuốc, hóa chất trong danh mục được phép lưu hành...
Tuy giá cá đang làm cho người nuôi phấn khởi, nhưng những người tâm huyết với ngành cá tra như ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc HTX Nuôi thủy sản Đại Thắng, vẫn luôn giữ cao tinh thần phòng bị là chính. Bởi theo ông, những năm trước nguyên nhân dẫn đến đầu ra thủy sản bấp bênh là do mối liên kết 4 nhà còn khá lỏng lẻo, người nuôi tự ai nấy lo. Cụ thể là người nuôi chưa có được hợp đồng phối hợp và ràng buộc với các doanh nghiệp, công ty thu mua và chế biến thủy sản lớn trong tỉnh, như: Công ty Cổ phần Thủy sản CAFATEX, Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông. Mặt khác, thương lái ngoài tỉnh thì mặc tình thao túng, ép giá, dẫn đến không ít hộ nuôi cá bên ngoài HTX vỡ nợ. Ngoài ra, người nuôi có nhu cầu vay vốn để tái đầu tư sản xuất thì luôn gặp khó khăn vì đã hết tài sản thế chấp ngân hàng. Như vậy, ngoài sự nỗ lực lớn của chính người nuôi cá, của HTX thì những hộ nuôi cá rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các doanh nghiệp và ngành chức năng. Phải làm sao có được sự ràng buộc thì mới đảm bảo sự phát triển chung, hộ nuôi đảm bảo có lời và phát triển bền vững thì ngành cá tra mới tiếp tục đứng vững.
Ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho rằng: Ngành nông nghiệp cũng như ngành thủy sản tiếp tục tập trung thực hiện tốt theo Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh quy hoạch chi tiết vùng nuôi, chế biến cá tra tỉnh Hậu Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Bên cạnh đó, lồng ghép với việc thiết lập phương án phát triển toàn diện nhằm thu hút công ty, doanh nghiệp đến tham gia liên kết tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định, giúp người nuôi cá yên tâm sản xuất.
Theo thống kê, huyện Phụng Hiệp hiện nay có 55ha diện tích mặt nước nuôi cá tra. Trong đó, khoảng 40% diện tích chuẩn bị cho thu hoạch. Theo ghi nhận, giá cá tra nguyên liệu được thu mua ở huyện Phụng Hiệp hiện ở mức 36.000-37.000 đồng/kg, tăng hơn 2.000 đồng/kg so với thời điểm cách nay một tháng và cao hơn 10.000 đồng/kg so với thời điểm cùng kỳ năm trước.