Giá tôm vẫn dậm chân tại chỗ, người nuôi sốt sắng tìm giải pháp
Từ đầu năm 2023 đến nay, giá tôm vẫn chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Nguyên nhân đến từ việc các đơn hàng xuất khẩu đang giảm sút vì ảnh hưởng của lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu đến sức mua của thị trường.
Bên cạnh đó, giá thức ăn công nghiệp tăng cao, dịch bệnh phát triển nhanh khó kiểm soát. Người nuôi phải thức trắng đêm để tìm hướng đi cho phù hợp. Nhiều hộ nuôi do không còn khả năng tiếp tục, đã tạm thời vệ sinh các thiết bị dưới ao nuôi, “treo ao – chờ giá”.
Nhưng liệu đó có phải là cách tối ưu nhất cho người nuôi tôm hiện nay. Nếu giá tôm vẫn không thay đổi, người nuôi phải làm như thế nào cho phù hợp, mang lại nguồn thu nhập cho gia đình?
Vì vậy, việc tìm kiếm các giải pháp giảm giá thành sản xuất là vấn đề hết sức cần thiết.
Các giải pháp có thể cải thiện chi phí sản xuất cho người nuôi
Để đảm bảo sản xuất hiệu quả cũng như gia tăng lợi nhuận trong vụ nuôi, vấn đề hiện nay bà con cần cân nhắc lựa chọn mô hình, mật độ nuôi sao cho hợp lý để đảm bảo tỷ lệ nuôi thành công cao, nhằm giảm giá thành sản xuất, vừa thu hoạch tôm cỡ lớn có giá bán ổn định, giúp gia tăng lợi nhuận của vụ nuôi
Thu hoạch tôm là thời điểm người dân thấp thỏm lo lắng nhất
Mật độ nuôi phù hợp
Nếu trước đây mật độ nuôi phổ biến là 200 – 300 con/m2 thì hiện nay chúng ta nên dừng ở mức vừa phải là 120 – 150 con/m2. Mật độ này cho phép chúng ta quản lý môi trường dễ dàng hơn, tôm nuôi cũng dễ về size lớn hơn.
Đặc biệt là các yếu tố về quản lý rủi ro, dịch bệnh cũng dễ nắm bắt hơn. Thu tỉa nhiều lần để giảm sức tải cho ao nuôi cũng là một giải pháp hay.
Lựa chọn quy trình nuôi phù hợp
Quy trình nuôi ở đây bao gồm cả thiết kế và vận hành hệ thống nuôi. Điều ưu tiên lúc này là một hệ thống nuôi đơn giản, cần ít tài nguyên (Điện, xử lý thay nước…), dễ vận hành, tối giản trong xử lý môi trường là quan trọng nhất để kiểm soát stress, kiểm soát các rủi ro, dịch bệnh tốt nhất có thể.
Quản lý và nâng cao chất lượng thức ăn
Người nuôi nên chọn loại thức ăn đúng tiêu chuẩn để đảm bảo chất lượng tốt. Đồng thời, chọn cỡ thức ăn phải phù hợp với cỡ tôm, cân đối lượng thức ăn phải phù hợp với sản lượng tôm có trong ao nuôi để tận dụng hết nguồn thức ăn và ít tốn chi phí xử lý nước.
Nếu quản lý ao nuôi tốt sẽ giảm lượng thức ăn thừa, FCR thấp, có thể tiết kiệm được 10-30% lượng thức ăn và cải thiện được chất lượng nước. Qua nghiên cứu cho thấy, để lượng thức ăn được sử dụng hiệu quả bà con nên chia nhỏ lượng thức ăn thành nhiều lần ăn trong ngày (6-7 lần/ngày) hoặc các hộ có đủ điều kiện nên lắp đặt hệ thống máy cho ăn.
Việc lựa chọn sản phẩm bổ sung, phòng và trị bệnh phải thận trọng
Hiện nay, đa số người nuôi đều sẽ chọn những sản phẩm chất lượng cao của những công ty uy tín thay vì những sản phẩm giá rẻ trôi nổi trên thị trường, không đảm bảo chất lượng.
Lý do là những sản phẩm tốt sẽ mang lại những lợi ích đáng kể: tôm tăng trưởng tốt hơn, ổn định môi trường nuôi dễ dàng hơn, ít rủi ro hơn,...và giải quyết nhanh chóng những vấn đề phát sinh. hay vì những sản phẩm giá rẻ nhưng chất lượng thấp, không mang lại hiệu quả lớn lao gì cho ao nuôi.
Thức ăn đáp ứng đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho tôm sẽ giúp tôm phát triển tối ưu hơn
Những sản phẩm “đáng đồng tiền bát gạo” vẫn sẽ được người nuôi tin dùng: con giống tốt, thức ăn tốt, thuốc bổ sung tốt, quy trình tốt giúp người nuôi đạt được thành công dễ dàng hơn.
Xây dựng mô hình nuôi tôm theo hướng liên kết sản xuất
Hình thành tổ hợp tác kỹ thuật, hợp tác xã nuôi tôm, hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất. Xây dựng mô hình nuôi tôm sạch, không kháng sinh, áp dụng các tiêu chuẩn VietGap, ASC… trong sản xuất nuôi tôm thẻ chân trắng để góp phần nâng chất lượng con tôm, qua đó giúp giữ vững giá bán trên thị trường cho dù ở giai đoạn nào.
Ở thời điểm hiện tại, việc kiểm soát chi phí nuôi là hết sức cần thiết. Nó có thể là một biện pháp tối ưu cho người nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn này. Vì vậy, qua bài viết mong bà con có thể áp dụng và cải thiện trên ao nuôi của mình một cách hiệu quả nhất.