Giá lao dốc
Theo người nuôi cua ở Cà Mau, từ đầu năm đến khoảng đầu tháng 5, giá cua giữ mức khá ổn định. Cua gạch thương lái thu mua tại vuông nuôi với giá trên dưới 320.000 - 350.000 đồng/kg, cua y giá trên dưới 200.000 đồng/kg. Nhưng hiện nay, cua y giá chỉ còn 140.000 đồng/kg, cua gạch chỉ còn từ 200.000 - 220.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Thoái - ngụ xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân - thở dài, nói: “Ai cũng biết, đến giai đoạn này giá cua sẽ giảm. Nhưng tình hình năm nay căng quá, tính ra giá giảm đến 100.000 đồng/kg, nuôi sao có lời”. Còn ông Nguyễn Minh Phồi - ngụ ấp Kinh Lớn, xã Đông Thới, Phú Tân - cho biết, vụ vừa qua gia đình thả hơn 4.000 con cua giống, tỷ lệ sống ước đạt 25%. Hiện sản lượng cua trong vuông ít nhất 3 tấn, đã dư kích cỡ thu hoạch nhưng không dám thu. Theo tính toán của ông Phồi, nếu bây giờ bắt cua, gia đình ông chắc chắn sẽ lỗ không dưới 5 triệu đồng/vụ nuôi. “Chẳng ai muốn thu hoạch lúc này cả, bà con đang đợi qua Tết Trung thu, hy vọng thị trường tiêu thụ sẽ tăng trở lại, giá cua được đẩy lên mới thu hoạch” - ông Phồi nói.
Thương lái Trung Quốc ngừng mua
Cà Mau là địa phương có diện tích nuôi cua biển lớn nhất nhì cả nước. Thống kê chưa đầy đủ của ngành NNPTNT Cà Mau, bình quân mỗi năm lượng cua biển xuất khẩu (chính ngạch và tiểu ngạch) lên đến đến hàng chục ngàn tấn; trong đó thị trường chính là Trung Quốc. Như đã thành quy luật, cứ đến gần rằm tháng 7 hàng năm, giá cua lại giảm khiến nhiều nông dân và chủ vựa cua hết sức lo lắng. Nguyên nhân được xác định do thị trường Trung Quốc không nhập khẩu cua, thương lái Trung Quốc đồng loạt ngừng “ăn hàng”. Thế là giá cua cứ lao dốc…
Huyện Cái Nước có diện tích nuôi cua trên 6.000ha; tập trung nhiều tại các xã Trần Thới, Đông Thới… “Tình hình nuôi năm nay cơ bản thuận lợi. Tuy nhiên, thương lái Trung Quốc ngừng mua, giá xuống thấp gây nhiều khó khăn cho người nuôi. Ngay cả những doanh nghiệp tiêu thụ cũng đang điêu đứng” - ông Đoàn Văn Chính (Phó Trưởng Phòng NNPTNN huyện Cái Nước) cho biết. Còn theo ông Võ Ngọc Hùng - chủ cơ sở thu mua cua biển lớn ở thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn - cho biết, trước đây hàng ngày ông xuất sang Trung Quốc 1 tấn cua biển các loại, nay chỉ còn khoảng vài trăm kg/ngày. “Doanh nghiệp có thể chủ động dừng mua khi thị trường xuất khẩu gặp khó, nhưng nông dân ít vốn khó có thể dừng thu hoạch khi cua tới đợt khai thác” - ông Hùng cho biết thêm.
Phó Giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau Châu Công Bằng cho rằng, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc phá giá cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến các mặt hàng thủy sản xuất vào thị trường này rớt giá; trong đó có cua biển Cà Mau. Ngành NNPTNT đang theo dõi sát sao mọi biến động của các mặt hàng thủy sản trên địa bàn để có hướng xử lý và khuyến cáo người dân khi cần thiết.
Trông chờ tiêu thụ nội địa
Cua biển Cà Mau được xem là loại cua ngon nhất ở miền Tây, nhiều người ưa thích. Chị Lê Thị Hồng - ngụ phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ - cho biết, gia đình rất thích ăn thủy - hải sản, đặc biệt là cua Cà Mau. Lúc trước giá cua khá cao nên một tháng mới mua cua ăn một lần, giờ thấy cua quá rẻ so với trước đây nên mỗi tuần mua 3 - 4kg về ăn. “Tôi tranh thủ thời điểm giá cua xuống thấp ăn cho đã thèm, mấy đứa con ăn để tăng cường chất canxi. Sang các tháng khác, giá cua tăng mua ăn không nổi” - chị Hồng nói.
Anh Nguyễn Văn Hải - chủ cơ sở Hải Cà Mau trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ - cho biết, gần 1 tháng nay do giá cua giảm mạnh mỗi ngày cơ sở mua gần 400kg cua các loại để tiêu thụ, tăng gấp đôi so với các tháng khác. Do giá rẻ nên bán lẻ cho người dân số lượng nhiều hơn so với bỏ mối lại cho các quán nhậu. Theo anh Hải, một năm khoảng 2 - 3 tháng cua giảm giá chính là thời điểm bán cua chạy nhất trong năm. Tuy nhiên, rủi ro cũng cao vì giá cua thường biến động thất thường.