Thực tế tại tỉnh Sóc Trăng năm 2010, diện tích tôm nuôi thiệt hại là 8.092 ha, chiếm 16,5 % diện tích thả giống; năm 2011 là 31.780 ha, chiếm 71,6%; năm 2012 là 23.873 ha, chiếm 57%; năm 2013 là 13.334 ha, chiếm 30%; năm 2014 là 18.808 ha, chiếm 35%; năm 2015 là 11.006 ha, chiếm 23,8% diện tích thả giống. Từ đầu năm 2016 đến nay, người nuôi tôm trong tỉnh chỉ mới thả nuôi 9.000 ha, nhưng đã có trên 1.500 ha thiệt hại.
Trong khi đó, tình trạng nhiều hộ nuôi tôm trực tiếp xả nước thải và bùn ao ra sông, kênh hoặc ao mương khu vực lân cận, gây ô nhiễm và mặn hóa nguồn nước chung. Nếu ở quy mô nhỏ thì trong vài năm đầu có thể chưa gây ra ảnh hưởng đáng kể, nhưng nếu diện tích nuôi lớn và việc phát thải diễn ra thường xuyên thì có thể gây hậu quả nghiêm trọng và kéo dài. Dịch bệnh có thể lây lan từ các nguồn nước xả trực tiếp này qua các ao nuôi khác. Môi trường nuôi tôm ô nhiễm, cộng thêm mầm bệnh có sẵn điều kiện lây lan ra diện rộng là thách thức không nhỏ đối với ngành thủy sản Sóc Trăng.
Thạc sĩ Phan Bạch Vân, Trưởng Phòng NTTS, Chi Cục Thủy sản tỉnh Sóc Trằng cho biết: “Quá trình xử lý chất thải trong ao nuôi tôm chủ yếu là những thức ăn thừa, phân tôm thải ra. Do đó người nuôi nên áp dụng các mô hình xử lý chất thải trong ao nuôi tôm hoặc nên chừa diện tích để xử lý ao lắng, ao lọc, thả cá rô phi vào để cá xử lý các chất thải trong quá trình nuôi, cũng có thể xử lý bằng men vi sinh để phân hủy các chất thải”.
Một số biện pháp được khuyến cáo để xử lý nước thải, chất thải rắn trong nuôi tôm như sau:
- Cần thường xuyên kiểm tra bờ mương, bờ ao chứa nước thải để kịp thời xử lý các trường hợp thẩm lậu.
- Nạo vét bùn đáy ao đến nơi xử lý riêng biệt và kiểm soát để mầm bệnh không lây nhiễm ra môi trường xung quanh.
- Cần xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường, đặc biệt khi có dịch bệnh xảy ra. Tuyệt đối không xả thẳng ra môi trường bên ngoài, nước thải phải được chứa ở kênh thải và xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra ngoài. Nước trong kênh thải được xử lý lắng ít nhất 1 tuần.
- Chất thải rắn (rác, tôm chết…) trong quá trình nuôi được thu dọn và để đúng nơi quy định. Rác thải của các ao bị bệnh cần đốt bỏ, tôm chết do bị bệnh và giáp xác cần được thu gom triệt để và tiêu hủy đúng nơi quy định, không vứt xác động, thực vật chết xuống hệ thống nuôi.
- Rác thải sinh hoạt phải được phân loại, thu gom và xử lý ngoài khu vực nuôi tôm.
- Thực hiện chế độ nuôi tôm ít thay nước nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan.
Ông Trần Hoàng Dũng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trần Đề cho biết: “Người nuôi tôm trong huyện đang thả giống giai đoạn 2 của vụ nuôi tôm năm 2016. Đến nay đã thả giống được khoảng 65% diện tích, tình hình dịch bệnh còn trong tầm kiểm soát. Hiện trên địa bàn đa số hộ nuôi tôm đều có diện tích ao lắng để xử lý môi trường nước cho ao nuôi và xử lý chất thải. Đặc biệt trong huyện có 15 -20% hộ áp dụng hệ thống nuôi tôm tuần hoàn nước khép kín”.
Các mô hình áp dụng công nghệ cao để xử lý chất thải đòi hỏi kinh phí và kỹ thuật chuyên môn cao, diện tích rộng. Hiện nay còn khoảng 85% diện tích nuôi nhỏ lẻ trong tỉnh vẫn gặp khó khăn khi muốn áp dụng mô hình này. Trước tình hình dịch bệnh và các thị trường nhập khẩu tôm thế giới ngày càng khắt khe, không cho phép người nuôi sử dụng quá mức hóa chất kháng sinh trong phòng chống bệnh cho tôm. Như vậy vấn đề phát triển kinh tế tập thể, để mở rộng quy mô sản xuất, tổ chức lại nhằm giảm chi phí giá thành, chia sẻ và nâng cao kinh nghiệm kỹ thuật, từng bước sản xuất theo hướng có trách nhiệm với cộng đồng hơn, sẽ là hướng đi tất yếu của ngành nuôi tôm sắp tới.
Mô hình cải tạo môi trường nước ao nuôi tôm theo hệ thống tuần hoàn khép kin của các thành viên Hiệp hội nuôi tôm Mỹ Thanh.
Thời gian qua, nhiều hộ nuôi tôm đã chủ động liên kết, cùng đầu tư quy hoạch lại hệ thống nuôi và xử lý chất thải bài bản, đã đạt được kết quả rất khả quan. Như ở Hiệp Hội Tôm Mỹ Thanh, chỉ có khoảng 30% diện tích mặt nước thực để nuôi tôm, còn lại hơn 70% để xây dựng hệ thống tuần hoàn, lọc và xử lý nước cung cấp lại cho các ao tôm. Nước từ ao tôm qua nhiều hệ thống lọc sinh học để lấy lại nuôi tiếp vụ sau, hạn chế lấy nguồn nước từ ngoài vào. Bùn và chất thải đáy ao được thường xuyên hút qua ống xiphon chuyển qua ao chứa bùn cố định, không xả thải ra môi trường bên ngoài và ảnh hưởng đến các khu vực xung quanh. Ông Nguyễn Minh Tùng, thành viên Hiệp Hội Tôm Mỹ Thanh cho biết: “Trong ao nuôi thường có thức ăn dư thừa, phân tôm…nên các thành viên trong Hiệp Hội thường áp dụng phương pháp bón men vi sinh để phân hủy hữu cơ, còn những ao có hệ thống xiphon đáy thì có thể tăng cường chạy quạt cho mạnh để đưa chất hữu cơ ra ngoài ao lắng, thả cá rô phí để xứ lý chất thải hữu cơ”.
Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn cho nghề nuôi tôm hiện nay và phát triển bền vững trong thời gian tới. Ngoài ra, người nuôi tôm cần xác định đây là nghề có điều kiện, cho nên khi thả nuôi, khi có dịch bệnh, thiệt hại đều phải tự giác báo với chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng địa phương. Các hành vi giấu giếm hoặc tự ý xử lý gây ảnh hưởng đến môi trường chung đều có các mức phạt tương xứng.