Từ khi có thuyền riêng, trời nắng cũng như trời mưa, trừ những lần ở cữ phải nghỉ ở nhà chăm sóc con, còn lại chị đều cùng chồng ra khơi đánh cá. Hàng ngày, chị thức dậy vào lúc 2 giờ sáng, cùng chồng ra biển, thả được 5 tấm lưới thì trời rạng sáng, lại đi thu lưới về, khoảng 10 giờ thì thuyền cập bến. Theo chị Nhung, mùa đánh bắt cá gần bờ bắt đầu từ tháng 11 âm lịch năm trước đến tháng 8 năm sau. Thuyền của vợ chồng chị nhỏ, hoạt động trong phạm vi cách bờ khoảng 10-20 hải lý. Tùy vào thời tiết, con nước, mùa cá, may mắn thuyền về cá chứa đầy khoang, trừ chi phí, thu nhập mỗi ngày của vợ chồng chị khoảng 300.000-400.000 đồng. Bên cạnh những lần thắng lợi trở về, cũng có những ngày thuyền về không. Có những hôm đang đánh bắt ngoài khơi, trời trở gió, mưa to, sóng dâng cao đến 2-3m, nước biển phủ đầu, người ướt sũng, thuyền bị sóng đánh gập ghềnh như giã gạo. Nhưng với kinh nghiệm của người đi biển, mưa ngoài biển thường rất to, nhưng rất nhanh dứt, chờ trời bớt gió, ngưng mưa, vợ chồng chị lại tiếp tục thả lưới. Hay có những lần thuyền vào đến cửa Đà Diễn thì cửa biển bồi lấp, hai vợ chồng chỉ còn cách bơi vào bờ, sau đó nhờ bạn thuyền đưa giúp thuyền vào.
Chị Võ Thị Kim Liên tâm sự: “Người dân làng biển có tập tục không bao giờ cho phụ nữ lên thuyền đi biển. Chị Nhung là một trong số ít phụ nữ ở làng biển Đông Tác được vươn khơi bám biển khi cha chị không phân biệt đối xử con trai, con gái”.
Hiện giờ, chưa có nhiều vốn, thuyền nhỏ, đánh bắt gần bờ, thu nhập của vợ chồng chị Nhung còn khiêm tốn. Nhưng với chị, việc được đi biển đánh bắt cá là niềm hạnh phúc lớn. Những ngày thời tiết xấu, gió mạnh, trời mưa lớn thuyền phải neo đậu ở bến, chị bắt tay làm những công việc thường ngày của người dân làng biển, đan, vá lưới, thả lưới câu trong bờ.
Chị Nhung ao ước và tin một ngày không xa, vợ chồng chị sẽ đóng được chiếc tàu lớn đánh bắt xa bờ, cuộc sống gia đình sẽ khá giả hơn. Chị rất tự hào và hạnh phúc vì mình là người phụ nữ vươn khơi bám biển.