Anh Đỗ Tờ kiểm tra mặt bãi nuôi
1. Tôi biết đến Đỗ Tờ ngót chục năm về trước. Lần nào gọi điện, anh cũng hăng hái đến sục sôi kể với tôi những dự định mới ở hòn đảo Bánh Sữa (Vân Đồn, Quảng Ninh) của mình. Lúc anh thử nghiệm nuôi tu hài, hàu Thái Bình Dương, khi nghĩ cách nhân giống sá sùng rồi ngán (sá sùng là một loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ đang rất có giá).
Năm 2011, một trận bão lớn tràn qua tàn phá đảo, nhà bay mất cả mái, khu nuôi trồng bị sóng đánh tơi bời, hỏi thăm anh báo thiệt hại cỡ vài chục tỉ với một giọng nhẹ tênh. Phải trải qua lắm thăng trầm của đời người, Đỗ Tờ mới có được sự điềm tĩnh hiếm hoi ấy trước nỗi mất mát cơ nghiệp khủng khiếp.
Xa xôi chuyện mấy chục năm về trước, hồi còn là anh cán bộ quèn của HTX mua bán ở huyện Yên Hưng (Quảng Ninh)- một đơn vị đang trên bờ vực ngắc ngoải, Ban Chủ nhiệm thấy Đỗ Tờ xăng xái, được việc liền họp bàn lấy tinh thần đảng viên giao khoán cho mảng tiêu thụ nước mắm. Sau 3 tháng, vừa sấp ngửa chỉ đạo việc nấu mắm vừa đi quan hệ tìm thị trường, anh hợp tác với Cty Bia Hà Nội trong một phi vụ ngoạn mục, đổi bia…lấy nước mắm theo dạng làm kế hoạch ba cho công nhân thời bao cấp.
Một vạn chai bia được đánh đổi bằng vạn lít nước mắm ngon. Cơ hội vàng đã đến, hợp đồng ký vào tháng giêng, đến tháng ba, tháng tư triển khai việc trao đổi hàng, trời phực nắng đến hanh hao, bia Hà Nội ầm ầm tăng giá, đang 200-300 đồng/chai nhảy vọt lên 700 đồng/chai.
2. Chặng đường làm nghề tự do của anh bắt đầu từ bấy giờ. Khi đang làm tổng đại lý thủy sản chuyên cung cấp hàng cho 3 nhà máy chế biến lớn, ngày nào cũng đầy khẳm một thuyền hàng, năm 1995 đùng cái anh bỏ việc để xin được thầu khoán một cái đầm rộng 350 ha bởi như anh bảo: “Tôi đã chờ đợi rất lâu đến khi người ta ra cơ chế khoán đầm”. Đầm đó trước đây một năm tập thể thu chật vật không quá 30 triệu nhưng Đỗ Tờ dám nhận giao khoán 300 triệu/năm mà chơi hẳn nộp tiền một cục.
Năm đầu tiên nuôi tôm sú thành công với 2 tỉ tiền lãi, chuyện ầm ầm cả vùng. Trong tỉnh, ngoài tỉnh đều biết đến tiếng Đỗ Tờ. Khách trên, khách dưới, người người, nhà nhà bắt đầu sục sôi bởi con tôm sú, đến đầu gấu cũng tới đòi…chia phần, mình hai nó một. Khi trước tập thể còn nuôi trồng thủy sản ở đầm, có người đứng gác, súng ống kè kè, mà trơ mắt nhìn bọn trộm hoành hành giữa thanh thiên bạch nhật chẳng thể làm gì ngoài bắn một vài phát chỉ thiên hú họa.
“Đánh rắn đánh dập đầu”, khi anh tìm và trị vài tên cứng cổ nhất, nạn ăn chia hôi của trắng trợn vùng đầm bãi Yên Hưng bị dẹp tan. Giữa lúc phong trào nuôi tôm sú đang hồi cực thịnh, năm 2004, Đỗ Tờ lẳng lặng đi khảo sát rồi thuê đảo Bánh Sữa một đảo hoang nằm chơ vơ giữa vịnh Bái Tử Long. Không nước ngọt, không điện đóm, không nhà dân nhưng lại có thừa ý chí. Anh cho người phun cát lên thành bãi, nép vào hang dựng nhà, mua máy phát sản xuất điện, bỏ con tôm sú mở nghiệp mới nuôi tu hài.
Đến bây giờ, tu hài và hàu Thái Bình Dương là 2 vật nuôi chủ lực ở Vân Đồn, toàn huyện mỗi năm thả nuôi được 35 triệu con giống tu hài, 197 triệu con giống hàu Thái Bình Dương. Điều đáng nói, nếu nuôi cá lồng bè nhiều sẽ dẫn đến ảnh hưởng tới môi trường nước, ngược lại nuôi nhuyễn thể sẽ hạn chế tối đa tác động đến sinh thái.
Tu hài sẽ bị thay thế bằng ngao nước mặn?
Tuy nhiên, vấn đề tiêu thụ sản phẩm với con hàu Thái Bình Dương hiện nay là một bài toán khó giải. Đối với tu hài thời gian vừa qua đã xuất hiện một số loại bệnh ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng. Do ít gìn giữ tốt bố mẹ nên giống tu hài đã có biểu hiện thoái hóa, lớn chậm và không đều. Hơn thế chi phí đầu tư nuôi tu hài liên tục tăng đặc biệt là tiền mua con giống cộng thêm thời gian nuôi khá dài đã giảm lợi nhuận của người nuôi trồng thủy sản.
3. Sau cơn sốt tu hài, những năm gần đây trên vùng vịnh xuất hiện loài nuôi mới có giá trị kinh tế cao đó là con ngao nước mặn hay còn gọi ngao hoa. “Ngao hoa khi lớn hết cỡ đạt trọng lượng 60-70 gram. Ở Cô Tô, Vân Đồn đều có loài này nhưng rất ít, chúng sống ở độ sâu 7-8 m nơi có độ mặn 25 phần ngàn trở lên chứ ít khi gặp trên mặt bãi như ngao thường. Ngao hoa là loài có thể thay thế tu hài bởi chịu được khí hậu khắc nghiệt như lạnh, mưa to vì không có vòi thò ra như tu hài", anh Tờ cho biết.
Kiểm tra ở bãi sau các đợt mưa bão, tu hài chết chứ ngao không chết. Những vùng không thể nuôi được tu hài thì ngao hoa vẫn sống và phát triển tốt. Trên thị trường, giá ngao hoa loại 1 là 200.000 đồng/kg, loại 2 từ 140.000 - 150.000 đồng/kg. Ngao hoa sau khi thu hoạch có thể để được lâu hơn so với tu hài với thị trường nội địa và nhất là xuất khẩu rất lớn gồm Trung Quốc, Đài Loan.
Ngao nước mặn
Tại Quảng Ninh, ngao hoa là đối tượng được khai thác tự nhiên. Ồ ạt săn tìm, khai thác tự do không theo quy hoạch đã dẫn đến nguồn loài nhuyễn thể này trong tự nhiên gần như cạn kiệt. Thuần hóa và nuôi thương phẩm ngao hoa chính là cách làm giảm sức ép khai thác tự nhiên và từng bước khôi phục nguồn đặc sản hiếm có.
Đỗ Tờ đau đáu: “Để nuôi thương phẩm ngao hoa thành công cần có quy trình nuôi cụ thể, phù hợp với điều kiện tự nhiên tại vùng triển khai dự án. Công nghệ sản xuất giống nhân tạo ngao hoa hiện đang trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm tại Việt Nam. Một số quốc gia khác đã bắt đầu cho sinh sản nhân tạo ngao hoa với số lượng lớn đã đáp ứng được nhu cầu con giống của đất nước họ. Tuy nhiên, việc nhập khẩu ngao hoa giống với số lượng lớn về Việt Nam rất khó khăn do chi phí nhập khẩu con giống cao, sự khác nhau về môi trường nuôi và thời gian vận chuyển có ảnh hưởng lớn đến khả năng thích nghi, sinh trưởng, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, dịch bệnh khi nhập nội khó kiểm soát…
Điều này, đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu công nghệ sản xuất giống nhân tạo ngao hoa nhằm đáp ứng nhu cầu của người nuôi trong tương lai. Chính bởi những lý do đó mà tôi ấp ủ dự án nghiên cứu phát triển nuôi ngao hoa tại hòn Bánh Sữa”.
Khu nuôi trồng trên đảo Bánh Sữa
Anh lùng mua của những nhóm thợ lặn những con ngao giống tốt nhất trong tự nhiên để về thả nơi đảo mình, ngày ngày theo dõi những tập tính cũng như độ lớn của chúng, ghi chép rất cẩn thận.
Dự án đó sẽ như một vết dầu loang. Bước đầu tiên nuôi thử nghiệm ngao hoa thương phẩm và xây dựng bản hướng dẫn kỹ thuật nuôi ngao hoa tại khu vực Vân Đồn – Quảng Ninh. Sau đó tiến hành sản xuất tạo giống. Cuối cùng nhân rộng mô hình nuôi thương phẩm bằng con giống sản xuất nhân tạo cho bà con toàn vùng.