Chỉ vào "thành quả" hơn một ký cá trích, ngư dân Nguyễn Tiến, xã Đức Minh (Mộ Đức) nói: “Thức trắng đêm mà chỉ thu được chừng này cá thì làm sao chúng tôi sống nổi”. Theo lời lão ngư này, vài năm trước, chuyến biển nào tàu ông cũng trở về đầy ắp cá, mực. Nhưng bây giờ, đánh vật với sóng biển cả ngày lẫn đêm nhưng ông Tiến chỉ thu được hơn ký cá trích cùng ít mực cơm, lắm lúc còn chẳng có gì ngoài một ít cá tạp.
Cùng với ông Tiến, nhiều ngư dân đánh bắt khu vực bãi ngang trong tỉnh cũng trải qua một mùa biển kém vui khi mà ốc gạo, cá cơm rồi cá trích... ngày càng ít đi. “Năm nay cá cơm ít quá, ai cũng buồn”, ngư dân Nguyễn Hoài Linh, xã Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi) bộc bạch. Nguyên nhân theo nhiều ngư dân là do thời tiết thay đổi; rồi một số ngư dân sử dụng mắt lưới nhỏ để đánh bắt; cộng với tàu giã cào hoạt động sai tuyến, áp sát vùng biển ven bờ và khai thác theo kiểu “bắt trọn cá mẹ lẫn con” đã khiến cá, mực ven bờ giảm mạnh.
Nhiều lần điêu đứng vì bị tàu giã cào quét lưới diệt cá, ngư dân Đoàn Văn Minh, xã Phổ Quang (Đức Phổ) mong muốn các ngành chức năng sớm có chế tài xử lý nghiêm những chủ tàu này. Ngay vùng biển từ Mỹ Á đến Sa Huỳnh, hàng trăm ngư dân đánh bắt gần bờ cũng thấp thỏm mỗi khi bủa lưới, vì sợ giã cào “cuỗm” mất. “Nhiều lần tàu giã cào quét lưới, tôi dò hỏi và tìm đến tận chỗ neo đậu để năn nỉ chủ tàu xin lại, nhưng họ không cho. Bức xúc lắm!”, ông Minh cho hay.
Sự gia tăng lượng tàu giã cào công suất lớn nhưng lại đánh bắt sai tuyến là một trong những nguyên nhân chính khiến hệ sinh thái và đa dạng sinh học vùng bờ suy kiệt nghiêm trọng. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, dù tổng sản lượng khai thác thuỷ sản hằng năm tăng, nhưng chất lượng không tăng. Điều đáng ngại là, tỷ lệ cá tạp trong một mẻ cá tăng mạnh. Trong khi đó, những loài cá có giá trị kinh tế cao ven bờ như cá trích, tôm hùm, mực... thì lại giảm đến mức báo động.
Dù biết thủ phạm chính khiến nguồn lợi thủy sản ven bờ suy giảm, song các ngành chức năng vẫn chưa tìm được biện pháp xử lý hữu hiệu. Theo ông Phan Huy Hoàng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thì, Sở đã đề xuất UBND tỉnh phân công trách nhiệm, cơ quan quản lý rõ ràng nhưng để xử phạt dứt điểm là điều không dễ. “Nhất là khi ngành nông nghiệp không đủ lực lượng và phương tiện để ra biển theo dõi, phát hiện và xử lý tàu giã cào hoạt động sai tuyến. Vì vậy, chúng tôi cũng chỉ biết tuyên truyền là chính”, ông Hoàng cho hay.
Để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ven bờ, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả tuyên truyền, đã đến lúc ngành chức năng cần xử lý mạnh tay những chủ phương tiện hay ngư dân sử dụng ngư lưới cụ không đúng quy chuẩn kỹ thuật để khai thác, đánh bắt.