Rùa tai đỏ “du nhập” vào Việt Nam từ năm 1994 và được một số chuyên gia nông nghiệp cảnh báo về những nguy cơ nếu loài rùa này sinh sản tràn lan.
Danh sách 100 loài sinh vật xâm hại nguy hiểm nhất thế giới của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) mô tả: “Rùa tai đỏ là một loài vật nuôi thông dụng, do đó đã phát triển ở nhiều vùng trên thế giới và trở thành đối thủ cạnh tranh với các loài rùa nước bản địa. Đây là loài ăn tạp và có thức ăn gồm côn trùng, tôm, giun, ốc sên, lưỡng cư và cá con cũng như cả thực vật thủy sinh”.
Rùa tai đỏ sau khi được “body painting” trở thành món quà tặng dễ thương nhưng gây nguy hại cho môi trường. Ảnh chụp màn hình FB
Rùa tai đỏ có tuổi thọ cao, có thể lên tới 40 năm, có tốc độ sinh sản nhanh hơn so với nhiều loài rùa bản địa. Một rùa cái trưởng thành tần suất sinh sản 5 lần trong một năm, với số lượng trứng mỗi lần lên tới 30 quả.
Bên cạnh đó, rùa tai đỏ thường mang trong mình nhiều khuẩn gây bệnh, có thể khiến các sinh vật trong khu vực chịu nhiều tổn thương, thậm chí diệt vong.
Không chỉ có hại cho môi trường sinh thái, rùa tai đỏ còn gây nguy hiểm cho cả con người chúng ta. Rất nhiều báo cáo cho biết rùa tai đỏ mang trên mình vi khuẩn Salmonella - một dạng vi khuẩn gây bệnh thương hàn. Theo thống kê từ Trung tâm phòng chống Dịch tễ tại Mỹ, có tới 70% người nhiễm khuẩn Salmonella tại Chicago là do tiếp xúc với rùa tai đỏ.
Ngập tràn facebooker món “quà tặng” nguy hại này
Người nhiễm khuẩn có thể bị tiêu chảy, đau bụng dữ dội, sốt cao, trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong. Hàng năm, có khoảng 600.000 người chết vì thương hàn trên thế giới.
Hiện nay, trên mạng xã hội đang rao bán loại rùa tai đỏ, nhưng để đánh vào tâm lý giới trẻ khiến mặt hàng bán chạy hơn, người bán đã “trang điểm” cho rùa tai đỏ những hình ảnh đẹp mắt: Sơn mai, chân rùa, thậm chí sơn toàn thân kiểu “body paiting” biến rùa tai đỏ thành những bức tranh hoa, quả, biển xanh, bãi cát, trái tim, búp bê… khiến giới trẻ vô cùng thích thú.
Rùa baby, rùa hoa, rùa vẽ với nhiều hình vẽ màu sắc có giá rất rẻ (khoảng 50.000đ/con), là món quà hợp lý với túi tiền học sinh. Trong khi đó, học sinh là là đối tượng “chóng chán”, hôm nay thích thú nuôi, mai có thể thả ra môi trường… nên nguy cơ lan tràn giống rùa này ra tự nhiên là điều chắc chắn.
Để bảo vệ môi trường, nên chăng chúng ta cần hạn chế mua bán, nuôi dưỡng, phóng sinh loại rùa xâm lân cực kỳ nguy hại này?