Dư lượng kháng sinh cấm là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng số lượng các lô hàng tôm bị từ chối nhập khẩu. Tháng 10 mới vừa qua FDA đã từ chối 2 lô hàng tôm do dư lượng thuốc BVTV và do ciprofloxacin tồn dư trong tôm. Bài viết phân tích nguyên nhân và giải pháp đảm bảo chất lượng cho người nuôi tôm.
Nguyên nhân chất lượng sản phẩm thủy sản giảm
1. Nguyên nhân khách quan
- Do lợi nhuận người nuôi cố ý không tuân theo quy trình kỹ thuật.
- Do nhiều người nuôi chưa nắm được các quy định để thực hiện.
- Bất cập thuốc dùng trong thủy sản: nhiều loại thuốc trên thị trường không có trong danh mục được phép lưu hành, chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép, nhiều sản phẩm không đúng với thành phần đăng ký hoặc khác với thành phần ghi trên nhãn.
2. Nguyên nhân trực tiếp
- Trong nuôi trồng thủy sản người dân sử dụng các hóa chất, kháng sinh cấm trong quá trình nuôi để phòng trị bệnh cho tôm làm tồn dư trong thịt tôm.
- Nguồn nước cấp không đảm bảo gần khu công nghiệp vùng xả thải, vùng nuôi tôm gần vùng trồng cây công nghiệp sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật... môi trường nuôi bị ô nhiễm kim loại nặng hoặc hóa chất cấm nên dẫn đến thủy sản nuôi có dư lượng kim loại nặng và các hóa chất khác;
- Thức ăn có chứa chất kích thích, hóa chất phòng ngừa bệnh và bảo quản thức ăn;
- Người nuôi thường sử dụng hóa chất, kháng sinh trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh thủy sản nhưng chưa thực hiện nuôi lưu (giữ lại một thời gian) để đào thải khỏi cơ thể động vật thủy sản trước khi thu hoạch dẫn đến tình trạng thủy sản bị nhiễm hóa chất, kháng sinh vượt mức cho phép;
Biện pháp đảm bảo chất lượng cho người nuôi tôm
- Người nuôi trồng thủy sản tuân thủ theo tiêu chuẩn VietGAP để đảm bảo quy trình an toàn thực phẩm.
- Lựa chọn thức ăn, con giống, thuốc của nhà sản xuất uy tín không sử dụng sản phẩm trôi nổi trên thị trường chưa có giấy chứng nhận hoặc không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
- Sử dụng men vi sinh thay thế kháng sinh.
Mô hình nuôi tôm hữu cơ không dùng kháng sinh ở Cần Giờ. Ảnh: Internet
- Ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm để hạn chế dịch bệnh như công nghệ biofloc, hệ thống nuôi tôm tuần hoàn.
- Thiết kế hệ thống cấp thoát nước đảm bảo và quan trọng phải có hệ thống ao lắng lọc nước trước khi đưa vào ao nuôi.
- Sử dụng thảo dược thay thế kháng sinh trong nuôi tôm như tỏi, vi sinh ... nếu bắt buộc sử dụng kháng sinh tuyệt đối không sử dụng kháng sinh cấm, thời gian ngưng sử dụng kháng sinh trước khi thu hoạch là 1 tháng. Sau khi điều trị bệnh cho tôm bằng kháng sinh cần trộn cho tôm ăn sorbitol với liều 1 gói (5g) /2kg thức ăn để tăng cường chức năng gan hỗ trợ đào thải kháng sinh trong gan tôm.
- Khi cấp nước vào ao nuôi cần: 1: kiểm tra tình hình dịch bệnh trong vùng nuôi ( tuyệt đối không cấp và xả nước khi vùng nuôi đang có dịch bệnh) 2: Chọn lựa nguồn nước đảm bảo tránh xa khu xả thải, vùng trồng cây thâm canh có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.. ( Sử dụng các dụng cụ đo để kiểm tra tiêu chi chất lượng nước trước khi cấp đặc biệt là khí độc và kim loại nặng). Sau khi cấp nước cần diệt khuẩn sử dụng EDTA để hấp thụ kim loại nặng với liều 2kg/1000m3 nước.
- Nếu nghi ngờ nguồn nước cấp tồn dư hóa chất nên sử dụng sodium thiosulfat.