Phi tang chứng cứ?
Liên quan đến vụ Nhà máy Tinh bột sắn Thừa Thiên - Huế xả thải độc khiến đời sống và sản xuất của hàng trăm hộ dân xã Phong An (Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) điêu đứng, ngày 16.9, ông Nguyễn Quang Thông - Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Thượng An cho biết: Những ngày qua, vào những đêm trời mưa, Nhà máy Tinh bột sắn Thừa Thiên - Huế tiếp tục xả thải độc ra môi trường. Vì cá ở khu vực hồ Bàu Sen gần như đã chết sạch nên không còn tình trạng cá chết hàng loạt như những ngày trước.
Theo ông Thông, trước bức xúc của người dân, Nhà máy Tinh bột sắn Thừa Thiên - Huế không đứng ra chịu trách nhiệm mà tìm cách đối phó. Cụ thể, thời gian qua, nhà máy liên tiếp cho người đi thăm dò phản ứng của người dân và vớt cá chết để phi tang chứng cứ. “Tôi đã báo cáo vụ việc nhà máy xả thải độc cho UBND xã và huyện, nhưng đến nay chưa thấy chính quyền có động tĩnh gì”- ông Thông nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ ngày 18.7.2013, lãnh đạo UBND huyện Phong Điền đã tổ chức cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo Nhà máy Tinh bột sắn Thừa Thiên- Huế về thiệt hại vụ đông xuân 2012-2013 của người dân thôn Thượng An do nước thải của nhà máy này gây ra. Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND huyện Phong Điền chỉ đề nghị lãnh đạo nhà máy “sớm có phương án hỗ trợ cho những hộ dân bị thiệt hại”. Tuy nhiên, đến nay nhà máy vẫn chây ỳ, chưa chịu hỗ trợ thỏa đáng cho người dân.
Theo nhiều hộ dân bị thiệt hại ở thôn Thượng An, nếu lãnh đạo UBND huyện Phong Điền có trách nhiệm với người dân thì đã không xử lý vụ việc như trên. Bởi lẽ, nếu lãnh đạo huyện bảo vệ quyền lợi của dân thì ngoài yêu cầu nhà máy bồi thường thiệt hại thỏa đáng còn phải đề nghị cơ quan có thẩm quyền làm rõ và xử lý hành vi hủy hoại môi trường của nhà máy, chứ không phải chỉ “đề nghị hỗ trợ”.
Nghi ngờ kết quả kiểm tra mẫu nước thải
Theo ông Nguyễn Quang Thông, ngoài lần lấy mẫu nước thải mới đây chưa công bố, trước đây, khi người dân phản ánh về việc Nhà máy Tinh bột sắn Thừa Thiên- Huế xả thải độc, lực lượng của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thừa Thiên- Huế và các đơn vị liên quan từng nhiều lần về lấy mẫu nước thải để kiểm tra. Tuy nhiên, điều khó hiểu là, sau khi lấy mẫu nước, những cơ quan trên đều khẳng định nước thải của nhà máy này bảo đảm các tiêu chuẩn cho phép.
Theo nhiều hộ dân bị thiệt hại ở thôn Thượng An, nếu lãnh đạo UBND huyện Phong Điền có trách nhiệm với người dân thì đã không xử lý vụ việc như trên.
Nhiều người dân xã Phong An cho rằng, việc kiểm tra mẫu nước thải của cơ quan chức năng có nhiều điểm đáng ngờ. Bởi lẽ, theo người dân, chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng đủ thấy nguồn nước thải trên không bảo đảm các tiêu chuẩn cho phép.
Hơn nữa, những diện tích ruộng lúa và mặt nước nuôi trồng của người dân bị thiệt hại đều nằm ở nơi có nguồn nước thải của nhà máy đi qua, nên việc khẳng định nguồn nước thải này bảo đảm tiêu chuẩn là không thuyết phục.
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Đôn- Phó Chủ tịch UBND xã Phong An cho biết: Trước đây, khi mương nước thải của Nhà máy Tinh bột sắn Thừa Thiên- Huế chảy về phía thôn Đông Lâm thì 6ha ruộng lúa của người dân thôn này bị ảnh hưởng.
Từ tháng 7.2012 đến nay, khi nhà máy cho nước thải đổ về phía thôn Thượng An thì lúa, cá và sen ở thôn này bị thiệt hại nặng nề, trong khi ruộng lúa ở thôn Đông Lâm không còn bị ảnh hưởng. Từ thông tin mà ông Đôn cung cấp cho thấy, việc người dân nghi ngờ kết quả kiểm tra mẫu nước trước đây thải của cơ quan chức năng không phải không có cơ sở.