Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Nafiqad cho biết: Uỷ ban ATTP Nhật Bản và Hiệp hội các DN nhập khẩu tôm của Nhật Bản đã thông báo chính thức với Nafiqad về việc, Bộ Y tế Nhật Bản đã quyết định dừng việc kiểm soát dư lượng Ethoxyquin với tần suất 30% của tôm Việt Nam XK sang nước này kể từ ngày 26/6/2012. Tuy nhiên ông Tiệp cho biết thêm, hiện Nafiqad vẫn chưa nhận được thông báo chính thức về quyết định này từ phía Bộ Y tế Nhật. Trong khi đó, phía Uỷ ban ATTP Nhật Bản và Hiệp hội các DN nhập khẩu tôm của Nhật Bản cho biết vào ngày 29/6/2012, Bộ Y tế Nhật sẽ có cuộc họp với hai đơn vị này và các cơ quan liên quan nhằm quyết định chính thức việc hủy bỏ việc kiểm soát dư lượng Ethoxyquin của tôm Việt Nam.
Không chỉ có Ethoxyquin, Nhật Bản cũng vừa có quyết định sẽ nâng mức tồn dư tối đa cho phép (MRL) đối với Trifluralin và Enrofloxacin trong tôm, điều này sẽ rất có lợi cho các DN xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Nhật.
Đối với Ethoxyquin, Hội đồng chuyên gia về tồn dư Thuốc BVTV của Codex (JMPR) cho biết, hiện quy định “Lượng ăn vào hàng ngày chấp nhận được” (ADI) của Ethoxyquin đối với thủy sản là 0,005 mg/kg thể trọng. Tuy nhiên, Bộ Y tế Nhật khẳng định, do chưa đủ thông tin dữ liệu để đánh giá rủi ro ATTP của Ethoxyquin nên hiện tại nước này vẫn chưa có quy định cụ thể về mức tồn dư tối đa cho phép của Ethoxyquin đối với tôm. Phía Việt Nam đã cam kết, sẽ cung cấp cho phía Nhật thông tin dữ liệu theo yêu cầu. Trong thời gian Nhật Bản chưa có kết quả đánh giá rủi ro của Ethoxyquin trên tôm, phía Việt Nam đã đề nghị Bộ Y tế Nhật tạm thời hủy quy định mức MRL mà nước này đang áp dụng là 0,01 ppm, thay vào đó là nâng mức MRL lên mức 1 ppm như nước này đang áp dụng đối với sản phẩm cá, đồng thời hủy bỏ quy định nâng tần suất kiểm soát tồn dư Ethoxyquin trên tôm ở mức 30% mà Nhật đang áp dụng. Phía Bộ Y tế Nhật đã tiếp thu ý kiến, và nhiều khả năng sẽ điều chỉnh như đã nói.
Đối với Trifluralin, báo cáo đánh giá rủi ro của Uỷ ban ATTP Nhật Bản cho phía Việt Nam biết, hiện ADI đối với thủy sản của chất này là 0,024 mg/kg thể trọng – cao hơn so với mức do Cơ quan đánh giá rủi ro của EU quy định hiện nay là 0,015 mg/kg thể trọng. Vì vậy, phía Nhật Bản khẳng định, trong mùa hè năm nay, sẽ quyết định điều chỉnh tăng mức MRL của Trifluralin trong thủy sản (trong đó có tôm) từ mức 0,01 ppm như hiện nay lên mức 0,4 ppm.
Đối với Enrofloxacin, Nhật cho biết ADI của chất này hiện là 0,002 mg/kg thể trọng – tương đương với quy định của FAO và WHO, tuy nhiên do chưa xác lập được MRL của Enrofloxacin nên hiện nay Nhật vẫn áp dụng ở mức Uniform limit (tức 0,01 ppm). Phía Việt Nam đã đề nghị trong thời gian chờ xác định mức MRL, tạm thời quy định MRL đối với Enrofloxacin trên tôm là 0,1 ppm, tuy nhiên chưa được phía Nhật đồng ý.