Không có giá sàn cá tra XK
Dự thảo Nghị định về sản xuất và xuất khẩu (XK) cá tra đang được các cơ quan quản lý, DN và người nuôi cá tra chung tay hoàn thiện để tạo nên cơ sở pháp lý cho các hoạt động của ngành. Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN & PTNN) thì đến nay dự thảo Nghị định này đã cơ bản hoàn thành.
Cụ thể, về nuôi cá tra thương phẩm dự thảo Nghị định quy định những nội dung sau: Địa điểm, diện tích nuôi cá thương phẩm phải phù hợp với quy hoạch nuôi cá tra đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt; trước khi thả nuôi, cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải đăng ký diện tích nuôi, thời gian nuôi và sản lượng cá nuôi với cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương; đến ngày 31-12-2014 các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải đạt chứng nhận quy phạm thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt VietGAP hoặc đạt chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế tương đương được Bộ NN & PTNN công nhận.
Về điều kiện của thương nhân XK cá tra là phải có nhà máy chế biến cá tra phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định này. Thương nhân XK không có nhà máy chế biến cá tra phải có hợp đồng gia công hoặc hợp đồng mua sản phẩm cá tra với cơ sở có nhà máy chế biến cá tra đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định này. Thương nhân có trách nhiệm đăng ký hợp đồng XK cá tra tại Hiệp hội Cá tra Việt Nam. Hiệp hội Cá tra Việt Nam căn cứ vào các điều kiện quy định tại Nghị định để xác nhận thương nhân đủ điều kiện XK cá tra. Khi làm thủ tục XK thương nhân có trách nhiệm xuất trình với cơ quan Hải quan Giấy Đăng ký hợp đồng XK cá tra được Hiệp hội Cá tra chấp nhận.
Về giá sàn XK cá tra, dự thảo Nghị định cho rằng sau khi học tập, tham khảo kinh nghiệm quản lý sản xuất và XK cá Hồi tại Nauy, sau khi tham vấn ý kiến 2 luật sư Mỹ và đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính thì việc quy định giá sàn cá tra XK, giá sàn cá tra nguyên liệu sẽ vi phạm Luật Giá 2012 (cá tra không phải mặt hàng chiến lược do nhà nước điều tiết giá) và các quy định quốc tế về chống bán phá giá. Mặt khác, giá sàn là phạm trù của thị trường, nhà nước không nên và không khả thi khi điều tiết. Giá sàn có thể kiểm soát được hành vi của người mua, nhưng chưa chắc đã kiểm soát được hành vi của người bán trong trường hợp cung vượt quá cầu. Có nhiều cách để phá vỡ giá sàn, nhất là khi không kiểm soát được cung cầu, khi thị trường XK giảm sút.
Xây dựng chuỗi giá trị cá tra bền vững
Bên cạnh việc xây dựng cơ sở pháp lý, một dự án cộng đồng giúp phát triển bền vững ngành cá tra mang tên “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam” (SUPA) vừa được Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP), Quỹ Quốc tế bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam và Áo (WWF Vietnam và WWF Austria) khởi động ngày 2-8. Dự án có tổng giá trị gần 2,4 triệu EURO được thực hiện trong 4 năm từ 2013 đến 2017.
SUPA tập trung vào nâng cao năng lực, thúc đẩy việc sản xuất có trách nhiệm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tác động môi trường và giảm chi phí sản xuất. Dự án cũng giúp trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật cho các DN vừa và nhỏ, các nhà sản xuất quy mô hộ gia đình áp dụng các tiêu chuẩn bền vững hiện hành như ASC, GlobalGAP... nhằm nâng cao tính cạnh tranh của ngành cá tra trên thị trường thế giới.
Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư kí VASEP, đối với người nuôi cá, dự án sẽ xây dựng trang trại mẫu giúp người nuôi tiếp cận khoa học công nghệ, tiết kiệm chi phí hiệu quả. Một trung tâm đào tạo được thành lập tại ĐH Cần Thơ để tập huấn kỹ thuật nuôi cá, quản lý chất lượng và thu thập thông tin thị trường cá tra cho nông dân. Đặc biệt, nông dân được hướng dẫn kỹ năng đàm phán (giá bán, hợp đồng), xúc tiến thương mại và tự bán cho nhà NK với giá cao, lợi nhuận ổn định.
Dự kiến vào cuối dự án, sẽ có ít nhất 70% các DN đạt mục tiêu sản xuất và chế biến cá tra ở quy mô từ trung bình đến lớn, 30% các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi và các trang trại nuôi quy mô nhỏ độc lập chủ động thực hiện phương pháp RE-CP. Thêm vào đó, sẽ có ít nhất 50% trong số các DN tham gia dự án sẽ được cung cấp các sản phẩm bền vững phù hợp các tiêu chuẩn như ASC cho thị trường châu Âu và các thị trường khác.
“Hiện nay nhiều nhà NK đặc biệt quan tâm tới sản phẩm cá tra đạt chứng nhận ASC, Global GAP… và từ cuối tháng 12-2012 đến nay, một số nhà bán lẻ tại năm nước Đức, Áo, Hà Lan, Anh và Italia đã tạm ngưng nhập thêm cá tra philê từ các nhà NK để chuẩn bị việc bán cá có chứng nhận ASC. Đây là cơ hội vàng để các DN cá tra Việt Nam tiếp tục mở rộng ra các nước châu Âu khác và giá bán cũng sẽ được cải thiện hơn”, ông Trương Đình Hòe cho biết.