Đến thôn Bình Giang, xã Buôn Choáh (Krông Nô) lập nghiệp từ đầu những năm 2000, gia đình ông Phạm Văn Thành đã thử nghiệm nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác nhau. Năm 2012, gia đình ông Thành quyết định đầu tư nuôi cá lồng trên sông Krông Nô. Ông làm các lồng cá rồi kết lại với nhau thành bè lớn trên sông để nuôi cá diêu hồng.
Theo ông Thành, cá diêu hồng nói riêng và nhiều loại cá khác nuôi trên sông Krông Nô phát triển nhanh hơn so với nuôi trong ao, hồ. Mỗi lồng cá rộng 72m2 (rộng 6m, dài 12m), chỉ có kinh phí đầu tư khoảng 30 - 40 triệu đồng và có thể nuôi được trung bình từ 8 - 10 tấn cá thịt.
Các lồng cá này có thể sử dụng nhiều năm và chỉ cần cải tạo lại một số hạng mục lưới, dây buộc… khi bị xuống cấp. Cá nuôi trên sông được người tiêu dùng ưa chuộng và thương lái tìm đến tận nơi mua.
Hiện tại, gia đình ông có tổng cộng 31 lồng cá, chia thành 2 khu vực nuôi sát bờ sông Krông Nô. Sau nhiều năm theo đuổi nghề nuôi cá lồng, ông Thành đã có kinh tế khá giả.
Thế nhưng, ông Thành luôn lo lắng về việc nuôi cá trên sông chưa được ngành chức năng cho phép. “Nhiều lần tôi lên chính quyền nhờ hướng dẫn thủ tục thuê mặt nước để nuôi cá, nhưng chưa được. Do đó, khi xảy ra thiên tai, thiệt hại cũng chẳng biết kêu ai. Chúng tôi rất mong cấp trên xem xét để việc nuôi cá của chúng tôi trở nên bài bản, đúng theo quy định”, ông Thành cho hay.
Ông Thành chỉ là một trong số nhiều hộ dân nuôi cá lồng ở xã Buôn Choáh đã từng đề nghị cơ quan chức năng cấp phép khai thác mặt nước để nuôi cá trên sông Krông Nô. Theo UBND xã Buôn Choáh, trên địa bàn xã hiện có hàng chục hộ nuôi cá lồng trên sông Krông Nô, với khoảng 200 lồng cá.
Rất nhiều lồng cá nuôi dọc sông Krông Nô nhiều năm nhưng chưa được cấp phép
Diện tích mặt nước nuôi cá dọc sông Krông Nô, đoạn đi qua xã là rất lớn và được đánh giá là phù hợp với việc nuôi cá lồng. Mặc dù vậy, hầu hết các hộ nuôi cá lồng tại xã Buôn Choáh chưa được cấp phép. Điều này không chỉ gây thất thu thuế cho Nhà nước mà còn ảnh hưởng tới việc quản lý tại địa phương, nhất là việc hỗ trợ khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh.
Ngoài Buôn Choáh, sông Krông Nô đi qua xã Đức Xuyên, Nâm N’đir… cũng có nhiều khu vực mặt nước thuận lợi để nuôi trồng thủy sản. Thực tế, nhiều hộ gia đình, đơn vị đã khai thác mặt nước để nuôi thủy sản và thành công. Mặt nước trên sông Krông Nô đang được UBND huyện Krông Nô đánh giá là tiềm năng trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Ông Ngô Xuân Đông, Chủ tịch UBND huyện Krông Nô cho hay: Thời gian qua, đã có nhiều đơn vị, cá nhân đề nghị chính quyền địa phương làm thủ tục thuê mặt nước để nuôi cá trên sông Krông Nô. UBND huyện đã nhiều lần kiến nghị lên các sở, ban, ngành có liên quan, nhưng do một số vướng mắc nên tới nay vẫn chưa được giải quyết.
Huyện rất mong được UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị có liên quan tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn để sớm được khai thác tiềm năng, lợi thế to lớn từ diện tích mặt nước sông Krông Nô.